Các quy định về bệnh nghề nghiệp cho người lao động Những khó khăn trong thực hiện
Khám bệnh nghề nghiệp. Việt Nam hiện có 30 bệnh nghề nghiệp (BNN) được đưa vào danh mục được chi trả bảo hiểm. Trong giai đoạn 2011-2013, trung bình mỗi năm có trên 110.000 lượt người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, 5700 trường hợp được phát hiện bị BNN, hơn 1000 trường hợp […]
Khám bệnh nghề nghiệp.
Việt Nam hiện có 30 bệnh nghề nghiệp (BNN) được đưa vào danh mục được chi trả bảo hiểm. Trong giai đoạn 2011-2013, trung bình mỗi năm có trên 110.000 lượt người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, 5700 trường hợp được phát hiện bị BNN, hơn 1000 trường hợp được đưa ra giám định BNN. Tuy nhiên còn rất nhiều trường hợp bị BNN chưa được khám phát hiện, giám định hoặc chưa được nhận chi trả bảo hiểm xã hội. Có nhiều nguyên nhân trở ngại để người lao động bị BNN chưa được đảm bảo chế độ theo đúng quy định.
Thực trạng…
Theo Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, người sử dụng lao động phải tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp phải được người sử dụng lao động hoàn tất thủ tục gửi đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động hay còn gọi là tỷ lệ tổn thương cơ thể. Các trường hợp có tỷ lệ tổn thương từ 5% trở lên sẽ được chi trả bồi thường theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trong đó tổn thương từ 5 đến dưới 31% được nhận trợ cấp 1 lần và tổn thương từ 31% trở lên sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng.
Hiện có ba cơ quan tham gia cùng với người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định này đó là: phòng khám bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP)/ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe và môi trường lao động các tỉnh, các Viện thuộc hệ thống y tế dự phòng, trung tâm y tế một số bộ ngành; Trung tâm giám định y khoa các tỉnh, thành phố và và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố.
Việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thực trạng về khám, chẩn đoán, giám định và chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp tại 63 tỉnh/thành phố cho thấy nhiều khó khăn bất cập.
Công tác khám BNN: vẫn còn những tồn tại, bất cập như đối với các trường hợp người lao động đã nghỉ việc, nghỉ hưu việc chuẩn bị các hồ sơ để khám, giám định BNN hiện nay chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm; quy định về mức xử phạt hành chính còn quá thấp đối với các cơ sở lao động không tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động (chỉ từ 10-15 triệu đồng).
Việc khám BNN mới thực hiện được tại 38 tỉnh/thành phố và các viện thuộc hệ y tế dự phòng. Ước tính trong số 9-10 triệu lao động đóng bảo hiểm xã hội, có khoảng 1-1,5 triệu người làm việc trong môi trường có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp nhưng mỗi năm chỉ có hơn 110.000 lượt người được khám BNN. Các ngành nghề có tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp cao là ngành khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, y tế, sản xuất và sử dụng hóa chất.
Vấn đề giám định bệnh nghề nghiệp: chưa có các văn bản quy định về phối kết hợp giữa hệ thống khám BNN và giám định BNN nhằm thực hiện kịp thời và đầy đủ chế độ và chính sách đối với người lao động. Việc làm thủ tục và hoàn tất hồ sơ gửi giám định phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định của người sử dụng lao động.
Tỉ lệ phát hiện BNN là gần 5% trên tổng số khám, tăng dần qua các năm. Tuy nhiên số người đi giám định BNN để được hưởng chính sách bồi thường chỉ khoảng 1000 người/năm, chiếm 17% tổng số phát hiện bệnh, tỉ lệ này giảm dần từ 26% còn 6,5% năm 2014. Chỉ có gần 40 tỉnh có báo cáo giám định BNN, hơn 20 tỉnh/thành phố chưa thực hiện và có số liệu về BNN. Cán bộ giám định y khoa được đào tạo chuyên ngành về BNN rất ít. Tỉ lệ chờ giám định còn cao (30%) do thiếu hồ sơ, thủ tục.
Công tác chi trả bảo hiểm cho người bị BNN: cũng còn những điểm hạn chế như chưa có văn bản quy định thanh toán một phần tiền khám và chữa bệnh cho người lao động bị mắc BNN trong quỹ bảo hiểm y tế vào danh mục các bệnh điều trị dài ngày; Chưa có văn bản quy định đối với người bị BNN đã nghỉ hưu thì phần chi trả chênh lệch cần quy định do BHXH chi trả; Chưa có văn bản quy định tham gia bảo hiểm xã hội đối với những người lao động làm việc trong khu vực ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất tư nhân, làng nghề, hợp tác xã nông nghiệp…để có thể thực hiện các chế độ cho mọi đối tượng lao động.
Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên
Trang thiết bị và năng lực cán bộ phục vụ công tác khám phát hiện và giám định bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, đầu tư, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đối với người lao động, nhận thức về BNN và các quy định có liên quan còn hạn chế, sợ bị cơ quan cho nghỉ việc, không biết và không dám đòi hỏi các chế độ liên quan BNN.
Người sử dụng lao động chưa hiểu hết các quy định pháp luật hoặc không quan tâm, không giới thiệu đi giám định, không cung cấp đủ các loại hồ sơ theo quy định. Chi phí khám, giám định, điều trị tốn kém vì vậy chủ cơ sở thường chỉ thực hiện chiếu lệ nhất là đối với các cơ sở nhiều lao động và ở ngành nghề độc hại. Kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ở nhiều nơi chưa có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho việc xác định yếu tố nguy hại và nguy cơ trong môi trường lao động để có biện pháp dự phòng cụ thể, giúp bảo vệ nâng cao sức khỏe cho người lao động, đem lại lợi ích cho cơ sở lao động nên chưa thực sự khuyến khích được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định.
Giải pháp trong thời gian tới
Để công tác bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp được thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần vào đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, một số giải pháp cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới như:
– Sửa đổi bổ sung các quy định còn bất cập liên quan đến khám, giám định, điều trị và chi trả bồi thường BNN. Cần có những quy định cụ thể và chế tài xử phạt ngay trong dự thảo luật An toàn, vệ sinh lao động hiện đang được xây dựng.
– Tuyên truyền rộng rãi cho người lao động về yếu tố tác hại và nguy cơ gây BNN, các quyền lợi và thủ tục khi khám BNN, giám định BNN và bồi thường khi bị BNN; Phát huy vai trò của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và cơ quan công đoàn các cấp trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người lao động;
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với khám, giám định BNN;
– Tiêu chuẩn hóa và đầu tư nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ cho các cơ quan y tế thực hiện khám, giám định BNN tại các địa phương.
TS. Lương Mai Anh – Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền
Xem thêm ...
- Công văn xin ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. 11/10/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Xây dựng và phát sóng thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động, khu công nghiệp; phát sóng trên Đài truyền hình Thông Tấn và Đài truyền hình VTC1) 11/06/2024
- Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động ngành y bị bệnh nghề nghiệp 24/05/2024
- Danh sách tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và nghị định 140/2018/NĐ-CP 06/05/2024