Thứ trưởng Lê Quang Cường tham dự Hội nghị chuyên đề IPU khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu – Hành động của nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”
Sáng 11/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) long trọng tổ chức khai mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- hành động của các nhà lập pháp […]
Sáng 11/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) long trọng tổ chức khai mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.
Đến tham dự Hội nghị có các đại biểu quốc tế gồm: Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury và Tổng thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than; Chủ tịch Hạ nghị viện Philippines Alvarez Pantelon; Chủ tịch Quốc hội Timor Leste Aderito Hugo Da Costa; Tổng thư ký Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Isra Sunthornvut và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cùng các đại diện của các tổ chức quốc tế; các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam…
Đại biểu trong nước tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Tòng Thị Phóng; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; đại diện các Bộ, ngành…Đoàn đại biểu của Bộ Y tế tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Lê Quang Cường làm trưởng đoàn cùng Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Thị Giáng Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Phát biểu: Quốc hội Việt Nam nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là: thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và việc huy động nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng. Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển tới Đại hội đồng IPU để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury phát biểu tại Hội nghị, cho biết, hiện nay khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do biến đổi khí hậu. Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nằm ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với khoảng 2 triệu người bị thiệt mạng. Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn thế giới. Sự kết nối rất chặt chẽ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thiểu tác hại của thiên tai, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ là vô cùng quan trọng. Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury nhấn mạnh, các nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình xác định lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), do đây là các cơ quan thực hiện các hoạt động liên quan đến thể chế. Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury bày tỏ hy vọng, IPU và các nghị viện thành viên sẽ cam kết lãnh đạo và tích cực tham gia để thực hiện SDGs. Chủ tịch Saber Chowdhury nêu rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu có trọng tâm là khắc phục thiên tai. Do đó, cần đưa ra những chiến lược năng động hơn cho phụ nữ, cho trẻ em, cho cả loài người trong ngăn chặn, khắc phục những thiên tai đó. Khi chúng ta đảm bảo đảm rằng phụ nữ, trẻ em và những người còn lại có thể tồn tại thì chúng ta mới có thể triển khai ở cấp độ rộng rãi hơn.
Tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết: Trong 10 năm qua, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật, mà một phần là do tác động biến đổi khí hậu như: tiêu chảy, tả, suy dinh dưỡng trẻ em, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch. Tác động BĐKH ở Việt Nam đã tạo ra nguy cơ gia tăng các dịch, bệnh theo mùa và các dịch, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, cúm AH1N1, chân tay miệng… dự báo sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới tại Việt Nam.
Hiện nay tác động sức khỏe do sóng nhiệt gây nên đang là mối quan tâm lớn của ngành y tế Việt Nam. Một số nghiên cứu cho thấy sóng nhiệt có liên quan rõ rệt đến việc gia tăng các trường hợp nhập viện của người già và trẻ em dưới 5 tuổi do các bệnh tiêu chảy và hô hấp, tim mạch. BĐKH ảnh hưởng đến an ninh lương thực, chất lượng nước là một trong những nguyên nhân gây nên suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tại Việt Nam, năm 2015 tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ < 5 tuổi là 24,6%, vẫn còn ở mức cao so với thế giới và khu vực.
Với quyết tâm cao nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành y tế giai đoạn 2010-2015, trong đó đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, đề ra các giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn cho toàn ngành y tế, bước đầu đã nghiên cứu và cung cấp các bằng chứng về tác động của BĐKH tới sức khỏe tại Việt Nam từ đó xác định các vấn đề sức khỏe ưu tiên để can thiệp; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong việc lập kế hoạch ứng phó với BĐKH
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành y tế giai đoạn 2017-2030 dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, kế hoạch tập trung vào các hoạt động vận động chính sách, tăng cường năng lực, giám sát các chỉ số sức khỏe liên quan đến BĐKH và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Kế hoạch BĐKH này được triển khai lồng ghép với các Chiến lược phát triển của ngành; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao SKND; Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam… nhằm tăng độ bao phủ, người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc, vắc xin thiết yếu, được sử dụng bảo hiểm y tế; giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn dưới 23%; giảm tử vong mẹ xuống dưới 45/100.000 trẻ đẻ sống, giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 10 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống, loại trừ và phòng chống sốt rét quay trở lại vào năm 2030…nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực y tế (SDG3) vào năm 2030.
Tuy nhiên, BĐKH là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn nhân lực y tế am hiểu về vấn đề này còn hạn chế, việc tiếp cận, triển khai nhiệm vụ ứng phó với BĐKH gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Y tế trong việc đảm bảo sức khoẻ người dân trước tác động của BĐKH cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững về y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và mong muốn được Quốc hội/Nghị viện các nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế Việt Nam trong lĩnh vực y tế ứng phó với BĐKH.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Lê Quang Cường cùng các cán bộ tham dự Hội nghị
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân 14/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 và Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030) 26/07/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Điều tra, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050) 05/06/2024