Bài viết trên báo Thanh Niên



Nội dung: Sáng kiến cải tiến xe tiêm nhằm bảo đảm phân loại, thu gom chất thải y tế đúng quy định tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Hình ảnh người điều dưỡng đi bệnh phòng tiêm, phát thuốc, chăm sóc cho bệnh nhân luôn gắn chặt với chiếc xe tiêm đẩy theo […]

Nội dung: Sáng kiến cải tiến xe tiêm nhằm bảo đảm phân loại, thu gom chất thải y tế đúng quy định tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Hình ảnh người điều dưỡng đi bệnh phòng tiêm, phát thuốc, chăm sóc cho bệnh nhân luôn gắn chặt với chiếc xe tiêm đẩy theo bên mình. Làm sao để chiếc xe tiêm vận hành thực sự hiệu quả, thuận tiện cho người trực tiếp sử dụng lại vừa đảm bảo phòng tránh lây nhiễm chéo giữa các khoa phòng? Sáng kiến cải tiến xe tiêm của bệnh viện (BV) Đại học (ĐH) Y Hà Nội (HN) xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó.
Cải tiến thiết kế để dễ dàng phân loại, thu gom chất thải y tế
TS. Trương Quang Trung, Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Điều dưỡng trưởng BV Đại học Y HN cho biết: khi BV mới thành lập (năm 2007), nhận thấy xe tiêm mua sẵn nhỏ, thiết kế còn nhiều điểm bất cập, anh cùng các đồng nghiệp nghĩ đến việc đặt thiết kế xe tiêm sao cho phù hợp với chiều cao của điều đưỡng viên (không để phải cúi lom khom) và diện tích làm việc của xe phải có độ rộng và độ phân chia giữa các tầng hợp lý (tầng 1 của xe để đồ vô khuẩn, tầng 2: thuốc men và các đồ sạch, tầng 3: đựng rác bẩn). Công cụ làm việc của điều dưỡng là chiếc xe tiêm, làm sao để họ làm việc thuận tiện và hiệu quả nhất. Lãnh đạo BV rất ủng hộ những đề xuất hợp lý, hợp tình đó.
Thêm nữa trong bối cảnh các bệnh viện thường xuyên quá tải; một phòng 4 giường thì luôn luôn là 5 giường. Vậy xe tiêm phải đủ rộng để chăm sóc đủ lượng bệnh nhân trong phòng. Điều dưỡng trưởng khoa Nội tổng hợp Bùi Đức Thuấn chia sẻ: việc sắp xếp xe tiêm được thực hiện theo đúng quy định Phòng Điều dưỡng đưa xuống sao cho vừa đảm bảo phân bổ đủ thuốc men, bông băng chăm sóc người bệnh, vừa thuận tiện các cho việc thu gom rác thải. Xe tiêm của BV ĐH Y HN được đề nghị thiết kế thêm 2 móc tròn inox đường kính 20 cm bên cạnh 2 bên thân xe để đặt 2 xô rác vào đó. Xô có túi màu vàng là rác y tế, xô có túi màu xanh rác thải thông thường (thức ăn thừa, vỏ hoa quả, bánh kẹo, giấy rác…). Rổ nhựa (lót ni lon màu trắng ở tầng dưới (tầng thứ 3) là rác tái chế và 1 hộp các tông đựng rác thải là vật sắc nhọn.
Việc phân loại rác thải được thực hiện ngay trong lúc làm chuyên môn trên xe tiêm. Rác loại nào được cho đúng vào vị trí phân loại đã quy định. Khi được 2/3 thùng sẽ có người thu gom tập kết tại 1 chỗ để chuyển tới khu vực để thất thải.
Tiếp tục cải tiến thùng đựng rác trên xe tiêm
Mặc dù đã có sự sắp xếp, phân loại thu gom rác thải y tế hợp lý trên xe tiêm nhưng vẫn còn một trở ngại là xô đựng rác thường hở không có nắp, hoặc nắp dời mở ra đóng vào nhưng như thế phức tạp và bất tiện nên Phòng Điều dưỡng của BV lại tiếp tục đề xuất cải tiến và đặt thiết kế thùng rác có nắp xoay, khi thu gom xong rác thải gạt nắp đóng kín lại, vừa tiện cho điều dưỡng khi thao tác vừa đảm bảo vệ sinh phòng bệnh. Xô đựng rác thải có thể chứa rác để chăm sóc 8-10 bệnh nhân không bị đầy. Xô đựng rác với thiết kế mới sẽ được lắp đặt vào xe tiêm của BV trong tháng 8 này.
Định kỳ “tắm” xe tiêm mỗi tuần
Một điểm đặc biệt, có thể nói là khác biệt nữa của xe tiêm BV ĐH Y HN là các xe tiêm được định kỳ “tắm”, tổng vệ sinh cọ rửa từ A – Z bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn vào mỗi chiều thứ 6 hàng tuần. Còn hàng ngày các xe tiêm đều được lau chùi sạch sẽ mỗi sáng trước khi điều đưỡng sắp xếp, chuẩn bị dụng cụ tới các buồng bệnh làm thủ thuật cho bệnh nhân. Y công có nhiệm vụ trợ giúp chăm sóc cho điều dưỡng trong công việc này. Quy trình vệ sinh xe tiêm hiện đang áp dụng tại từng khoa nhưng thời gian tới, theo TS. Trương Quang Trung, BV sẽ xây dựng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn mới, rộng 200 m2; sẽ có khu vực xịt rửa tập trung xe tiêm các khoa tại đó để nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đánh rửa sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh từng chi tiết, kể cả rác bụi bám ở bánh xe, tránh tình trạng kéo rác từ bánh xe vào các buồng bệnh.

Xe tiêm của BV ĐH Y HN với thiết kế 2 bên có 2 xô đựng rác: xô túi màu vàng đựng rác thải y tế, xô túi màu xanh đựng rác thải thông thường, tầng dưới cùng sọt nhựa nilon trắng đựng rác tái chế và hộp các tông đựng rác thải là vật sắc nhọn. Ảnh: QA
Xô rác tiếp tục được cải tiến có nắp xoay để đóng kín lại sau khi thu gom.

Xem thêm ...