Phát triển hệ thống sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước



Một trong những nhiệm vụ của ngành y tế là phấn đấu đến năm 2020, 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước. Đồng thời cải thiện […]

Một trong những nhiệm vụ của ngành y tế là phấn đấu đến năm 2020, 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước. Đồng thời cải thiện hệ thống sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng, đặc biệt sơ cứu, cấp cứu đuối nước trẻ em.
Thực hiện nhiệm vụ này, ngành y tế đã phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai các chương trình soạn thảo tài liệu, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu trên phạm vi toàn quốc. Theo Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế về kết quả triển khai chương trình phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước năm 2017, hoạt động sơ cấp cứu, phục hồi chức năng được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố. Đến tháng 12/2017, ngành y tế đã mở được 544 lớp tập huấn với khoảng 21.650 người tham gia tập huấn về sơ cấp cứu tai nạn thương tích. Đối tượng được tập huấn là lái xe khách, cảnh sát giao thông, cán bộ y tế trường học, lực lượng sơ cấp cứu tại các doanh nghiệp, người dân… Bên cạnh đó, các tỉnh,thành phố cũng tăng cường trang bị dụng cụ sơ cấp cứu cho các chốt sơ cấp cứu, củng cố, tăng cường mạng lưới chốt sơ cấp cứu trên các tuyến đường cao tốc.
Để công tác sơ cấp cứu trẻ em đuối nước năm 2018 đạt hiệu quả cao hơn, Cục Quản lý môi trường y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo củng cố mạng lưới, tăng cường tập huấn cộng tác viên sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng (mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, hội viên Hội chữ thập đỏ và tình nguyện viên) nhằm đảm bảo sơ cứu và vận chuyển an toàn các trường hợp tai nạn thương tích đến cơ sở điều trị. Tổ chức thông tin rộng rãi cho cộng đồng về cách xử trí các trường hợp tai nạn thương tích trong lúc chờ cán bộ y tế, tầm quan trọng của sơ cấp cứu tại chỗ, mạng lưới sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích, số điện thoại gọi cấp cứu hiện có trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở điều trị trực thuộc thực hiện các nội dung về cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Quyết định số 3385/QĐ-BYT ngày 18/9/2012 của Bộ Y tế ban hành danh mục vali thuốc cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương. Tăng cường kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế và trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu tại cơ sở y tế các tuyến theo hướng dẫn tại Quyết định số 12/2008/QĐ-BYT ngày 27/2/2008 của Bộ Y tế về tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế và trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu nhằm đảm bảo cấp cứu và điều trị các trường hợp tai nạn thương tích tại cộng đồng. Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và phối hợp với các Sở, Ban, ngành tổ chức liên quan tại địa phương tập huấn kỹ năng phòng chống và sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích. Cải thiện hệ thống sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng, đặc biệt sơ cứu, cấp cứu đuối nước trẻ em.
Trên thực tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng hỗ trợ mạng lưới nhân viên y tế, hội chữ thập đỏ, tình nguyện viên và các tổ chức hữu quan nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước trên địa bàn. Đơn cử như tại thành phố Móng Cái, sáng 12/7/2018, Sở Y tế Quảng Ninh và Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng quy trình sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông, đuối nước cho 80 đại biểu là Trưởng thôn – khu có hoạt động đường thủy; cho bà con ngư dân và đoàn viên thanh niên các chi đoàn thôn, khu phố trên địa bàn thành phố.


Lớp tập huấn ngày 12/7/2018 tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh)

Các học viên đã được cung cấp các kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu khi có người bị đuối nước, những điều cần tránh trong quá trình cấp cứu người bị đuối nước. Đồng thời, các học viên còn được hướng dẫn thực hành kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị tai nạn giao thông trên đường bộ như: đánh giá tình trạng nạn nhân để tiến hành sơ cấp cứu, phương pháp cầm máu, hô hấp nhân tạo trong trường hợp người bị bất tỉnh; băng bó, cố định khi nạn nhân bị gãy xương; vận chuyển an toàn nạn nhân đến các cơ sở y tế…
Trước đó, trong hai ngày 24 và 25/7/2018, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu cho 50 học viên là cán bộ chuyên trách và tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ của 12 huyện, thành phố.

Học viên được hướng dẫn thực hành kỹ năng đưa di chuyển nạn nhân khẩn cấp.
Các học viên được bổ sung những kiến thức cơ bản trong xử lý các trường hợp gặp tai nạn; tham gia làm các bài tập trắc nghiệm; tập huấn kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp, sơ cứu dị vật, tắc đường thở, sơ cứu ngừng thở, ngừng tim, sơ cứu chảy máu, sốc, thao tác băng cầm máu. Ngoài ra, học viên cũng được tập huấn kỹ năng băng bó các loại vết thương như: vết thương đầu, bàn tay, cẳng tay, khuỷu tay; cố định xương gãy bằng nẹp và vận chuyển nạn nhân, sơ cứu nạn nhân bị bỏng, điện giật và đuối nước…
Gần đây nhất, trong thời gian 3 ngày từ 26 đến 28/9/2018, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn bơi cứu hộ, phòng chống đuối nước cho hơn 100 học viên là cộng tác viên các huyện, thị, thành phố và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh


Tại Quảng Trị, những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã liên tục triển khai tập huấn, tổ chức bồi dưỡng được cho 245 giáo viên thể dục các trường phổ thông trên toàn tỉnh về phương pháp kỹ năng dạy bơi, cứu đuối. Hội đồng bộ môn giáo dục thể chất đã xây dựng, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho giáo viên nhằm tuyên truyền cho học sinh các cấp. Sở Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với trường Đại học TDTT Đà Nẵng, tổ chức SwimVietNam, World Vision, Plan VietNam… ; đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ năng cấp cứu tai nạn đuối nước cho gần 300 giáo viên.
Hoài Thu (tổng hợp)

Xem thêm ...