Sự cần thiết xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế tại bệnh viện



Chất thải y tế phát sinh từ bệnh viện bao gồm từ hoạt động y tế và hoạt động sinh hoạt của người bệnh và người nhà người bệnh. Theo thống kê của Cục quản lý môi trường y tế năm 2015, các cơ sở y tế dự phòng phát sinh khoảng 590 tấn chất […]

Chất thải y tế phát sinh từ bệnh viện bao gồm từ hoạt động y tế và hoạt động sinh hoạt của người bệnh và người nhà người bệnh. Theo thống kê của Cục quản lý môi trường y tế năm 2015, các cơ sở y tế dự phòng phát sinh khoảng 590 tấn chất thải y tế/ngày và ước tính đến năm 2020 là khoảng 800 tấn/ngày. Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại; trong đó chất thải y tế thông thường chiếm khoảng 80-90%, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại. Tuy nhiên nếu chất thải y tế nguy hại được quản lý tốt và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với sức khỏe con người.
Việc tái chế chất thải y tế cũng đã được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo và được quy định tại một số văn bản pháp luật của Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khuyến cáo tăng cường việc tái chế chất thải y tế thông thường để tránh lãng phí đem lại lợi ích về kinh tế đồng thời hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Một số văn bản pháp luật của Việt Nam cũng ghi rõ việc khuyến khích tái chế chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tại Khoản 3 Điều 6 những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích là giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải. Tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp” (Điểm b Khoản 5 Điều 49). Như vậy đối với chất thải y tế nguy hại nhưng có thể tái chế sau khi khử khuẩn đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với sức khỏe con người thì có thể sử dụng cho mục đích tái chế. Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế – Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế cũng đã hướng dẫn việc thu gom, lưu giữ và quản lý thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế; đồng thời ban hành danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 55: 2013/BTNMT về thiết bị hấp chất thải lây nhiễm tại điểm 2.3. Quản lý chất thải sau xử lý ghi rõ” Chất thải lây nhiễm sau xử lý bằng thiết bị hấp đáp ứng quy định tại quy chuẩn này được quản lý như đối với chất thải thông thường”.
Theo như các quy định nêu trên, chất thải y tế thông thường hoặc chất thải y tế lây nhiễm đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trở thành chất thải thông thường thì có thể được thu gom phục vụ mục đích tái chế. Việc này vừa giảm thiểu được chi phí xử lý chất thải vừa sử dụng có hiệu quả các nguồn nguyên liệu tái chế đồng thời giảm được ô nhiễm môi trường.

Xử lý chất thải bằng thiết bị hấp tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển-Uông Bí
Thực tế hiện nay nhiều bệnh viện đã thực hiện việc thu gom chất thải tái chế, xử lý chất thải lây nhiễm có thể tái chế thành chất thải tái chế sau đó chuyển giao cho các đơn vị có đủ điều kiện, chức năng vận chuyển, thu mua, xử lý. Tuy nhiên, do điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất của từng bệnh viện rất khác nhau vì vậy phân loại chất thải thải y tế cũng như chất thải tái chế còn chưa đúng quy định. Phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn. Phương tiện vận chuyển, nơi lưu giữ không bảo đảm vệ sinh, có nguy cơ bị côn trùng xâm nhập. Mặt khác việc thu gom, xử lý chất thải tái chế chưa có hướng dẫn giám sát. Việc bán chất thải tái chế cho các đơn vị bên ngoài sau đó các đơn vị này sản xuất thành sản phẩm mới cũng rất khó kiểm soát. Để cải thiện được tình trạng trên, chất thải tái chế phải được thu gom, lưu giữ theo đúng quy trình tại các bệnh viện và chuyển giao cho cơ sở sản xuất đủ điều kiện và được quản lý giám sát để tạo thành các sản phẩm tái chế đúng qui định, có ích, trong đó các túi, thùng thu gom chất thải đạt tiêu chuẩn, đúng quy cách và quay lại phục vụ cho công tác quản lý chất thải của bệnh viện.
Việc xây dựng Hướng dẫn quản lý chất thải y tế thông thường có thể tái chế vừa tạo điều kiện thuận lợi, giúp các cơ sở y tế tuân thủ, thực hiện quản lý chất thải đúng qui định, giảm được chi phí xử lý chất thải, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra các sản phẩm sử dụng vật liệu tái chế có ích đồng thời an toàn cho nhân viên y tế và cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường.
Quỳnh Trang

Xem thêm ...