Trường học – nơi rèn kỹ năng chủ động phòng chống đuối nước cho học sinh



Phát triển thể chất, thể thao trường học là một trong các yêu cầu giáo dục toàn diện nhằm nâng cao thể lực, sức lực cho tuổi trẻ học đường. Nội dung này còn gắn liền với mục tiêu chủ động nâng cao kỹ năng bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh. Từ nhiều […]

Phát triển thể chất, thể thao trường học là một trong các yêu cầu giáo dục toàn diện nhằm nâng cao thể lực, sức lực cho tuổi trẻ học đường. Nội dung này còn gắn liền với mục tiêu chủ động nâng cao kỹ năng bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Từ nhiều năm nay, nội dung dạy bơi và phổ cập bơi lội đã được quan tâm trong hệ thống trường học của ngành giáo dục. Nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã quan tâm đầu tư nguồn lực để các trường học xây dựng bể bơi dạy học sinh.
Tại tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giáo dục phổ cập bơi cho học sinh, đến nay có hơn 40 hồ bơi được đầu tư vào trường học trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các giờ thể dục, nhà trường phối hợp với gia đình tổ chức dạy bơi cho học sinh vào thời gian ngoài giờ lên lớp theo mô hình xã hội hóa.
TP. Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu trong công tác phổ cập bơi và thực hiện mô hình xã hội hóa sớm nhất. UBND thành phố vừa mới thông qua Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020; yêu cầu 24 quận, huyện triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em, mỗi quận huyện một năm tối thiểu phải xây dựng 1 hồ bơi cố định hoặc hồ bơi di động. Phấn đấu đến năm 2020, có 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng bơi; 100% các cơ sở thể thao có hoạt động bơi, lặn, các điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước có hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ. Nhân viên cứu hộ được tập huấn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có các trang thiết bị cứu hộ theo quy định, kéo giảm tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước vào năm 2020.
Tại Hà Nội, UBND quận, huyện đã cấp kinh phí lắp đặt bể bơi trong các trường học; một số quận, huyện còn hỗ trợ học phí học bơi cho học sinh. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức các bể bơi di động lắp ghép đáp ứng tương đối nhu cầu học bơi của trẻ em. Điển hình như các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Thanh Trì, có rất nhiều trường học đã và đang được trang bị hệ thống bể bơi lắp ghép.
Riêng tại Quảng Ninh, UBND huyện Đông Triều đã kêu gọi các nhà đầu tư bể bơi vào trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Đến thời điểm này gần như các trường tiểu học và THCS đều được trang bị bể bơi và việc tổ chức dạy bơi trong các nhà trường phát huy rất tốt hiệu quả.
Đặc biệt tại Đà Nẵng, trong những năm qua, Chương trình phổ cập xóa mù bơi được triển khai rất hiệu quả. Cùng với thành công từ dự án “Bơi an toàn” do Liên minh vì sự an toàn trẻ em tài trợ, các trường học được trang bị 15 bể bơi lắp ghép; UBND thành phố đã kịp thời hỗ trợ và đầu tư thêm nhiều hồ bơi, nâng tổng số hồ bơi trong các trường tiểu học và THCS lên trên 60 hồ bơi. Đây là một trong các điều kiện quan trọng giúp Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu trong công tác phổ cập bơi cho học sinh.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao thể chất, thể thao, phổ cập dạy bơi trong nhà trường, việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên thể dục có kỹ năng dạy bơi, cứu đuối là hết sức cần thiết. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên, hàng năm phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục về phương pháp dạy bơi, kỹ năng cứu đuối. Chương trình tập huấn cho giáo viên được sử dụng các tài liệu do Tổng cục Thể dục thể thao biên soạn, xây dựng và kết hợp tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ Việt Nam về phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh như các Giáo trình dạy bơi trẻ em do Tổng cục Thể dục thể thao ban hành, Giáo trình hướng dẫn bơi an toàn của tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em (TASC), tài liệu của tổ chức HueHelp…
Công tác này càng trở nên bức thiết khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngành giáo dục đạt mục tiêu 50% cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi cho học sinh vào năm 2020.

Hướng dẫn trẻ em tập lặn trước khi học các kỹ thuật bơi tại bể bơi trường ĐH Dân lập
Hải Phòng

Thông qua các lớp tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng bơi và cứu đuối nước, trung bình mỗi năm ngành giáo dục bồi dưỡng được khoảng 600-700 giáo viên cốt cán cho các địa phương. Đội ngũ này là những “máy cái” tiếp tục chịu trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên ở từng quận, huyện trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có cán bộ làm công tác thể thao, công tác đoàn ở cơ sở cũng được tham gia bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng dạy bơi và cứu đuối trẻ em.
Năm 2018, Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã phối hợp xây dựng bộ tài liệu: “Hướng dẫn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên cơ sở về Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em”. Hiện nay, bộ tài liệu này đã được sử dụng tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán các trường phổ thông trên toàn quốc thông qua các lớp tập huấn do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức vào các tháng 5,6 và 7/2018.
Sắp tới, Bộ tiếp tục phối hợp Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ VH-TT&DL triển khai dự án phòng, chống đuối nước do Quỹ BloomBerg tài trợ, ngoài việc hỗ trợ các địa phương triển khai các nội dung về giáo dục, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước, dạy bơi cho học sinh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu chuẩn tập huấn giáo viên và hướng dẫn học sinh để dùng chung trên toàn quốc.
Ngày 4/4/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành văn bản về tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh sinh viên dịp hè. Ngoài việc chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức dạy bơi cho học sinh, văn bản chú trọng đến việc yêu cầu các trường phổ thông, hàng ngày giáo viên dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở các em nếu không biết bơi thì tuyệt đối không được tham gia bơi lội; học sinh biết bơi cũng không được chủ quan, phải biết bơi ở chỗ an toàn, không bơi ở chỗ nguy hiểm. Nhắc các em trên đường đến trường, trên đường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.


Cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em được tổ chức vào sáng 10/5 tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội)

Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch số 204/KH-BGDĐT (ngày 12/4/2018) về việc Bồi dưỡng, nâng cao năng lực hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho cán bộ, giáo viên thể dục cốt cán các trường phổ thông năm 2018. Phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Đội, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai một số các hoạt động tuyên truyền đẩy mạnh phong trào phòng, chống tai nạn đuối nước thông qua các hoạt động thi tìm hiểu kiến thức về kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh; phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; tổ chức Giải bơi học sinh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc, phát động phong trào học bơi phòng chống đuối nước tại Đà Nẵng…

Khánh Chi (tổng hợp)

Xem thêm ...