Nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em
Nhận thức rõ tình trạng trẻ em bị đuối nước thường diễn ra ở các địa điểm mặt nước hở tại gia đình, sông ngòi trên địa bàn thôn xã, nên ngay từ Chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung, trong đó có tai nạn thương tích do đuối nước giai đoạn […]
Nhận thức rõ tình trạng trẻ em bị đuối nước thường diễn ra ở các địa điểm mặt nước hở tại gia đình, sông ngòi trên địa bàn thôn xã, nên ngay từ Chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung, trong đó có tai nạn thương tích do đuối nước giai đoạn 2000- 2010, việc xây dựng mô hình cộng đồng an toàn đã là 1 trong 4 nội dung chính. Từ đó đến nay, việc xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn luôn được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Các cộng đồng đã từng bước tuân thủ các biện pháp phòng, chống đuối nước tại gia đình và cộng đồng đã được tổ chức quốc tế và trong nước khuyến cáo. Bao gồm việc tập trung hỗ trợ xây dựng cầu bê tông tại các vùng sông nước, hàng rào quanh nhà hay quanh ao cá và những hồ nước trong khu vực nhà ở, nơi trẻ dễ tiếp cận; làm nắp giếng và nắp dụng cụ chứa nước, làm chấn song cho cầu thang, đảm bảo cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang đủ cao, có chấn song ở ban công hoặc cửa sổ để trẻ không chui hoặc trèo qua được; trẻ em dưới 6 tuổi được người lớn trông giữ hoặc được gửi ở nhà trẻ, mẫu giáo, hướng dẫn người dân trong cộng đồng các biện pháp và kỹ năng an toàn khi tiếp cận nước. Nhờ thế, mô hình cộng đồng an toàn không ngừng được hoàn thiện, nhân rộng. Từ chỗ năm 2013 mới có 96 phường xã tại 17 tỉnh, thành phố đạt tiêu chí mô hình cộng đồng an toàn; đến năm 2015 đã có 29 tỉnh, thành phố đưa nhiệm vụ xây dựng các mô hình an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích giai đọan 2011- 2015 với tổng số đăng ký xây dựng 510 cộng đồng an toàn Việt Nam. Trên thực tế, đến hết năm 2015 cả nước có 201 xã/phường đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn, trong đó có 112 cộng đồng an toàn Việt Nam và 10 cộng đồng an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đạt 105% kế hoạch đề ra.
Đến năm 2017, theo Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, cả nước đã có 220 xã,phường đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn, trong đó có 210 cộng đồng an toàn Việt Nam và 10 cộng đồng an toàn quốc tế thuộc 22 tỉnh, thành phố. Trong đó, thành phố Hà Nội là địa bàn xây dựng được nhiều cộng đồng an toàn nhất, với 102 phường, xã. Tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 2 với 17 phường xã. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đứng thứ 3 với 14 phường, xã. Tỉnh Bình Thuận đứng thứ 4 với 11 phường xã được công nhận. 10 cộng đồng an toàn quốc tế thuộc về Xuân Đỉnh (Hà Nội), Đức Chính, Thanh Bình (Hải Dương), Dạ Trạch, Đồng Tiên (Hưng Yên), Cam Thủy (Quảng Trị), Thị trấn Lăng Cô, Lộc Sơn (Thừa Thiên – Huế), Hòa Long (Đồng Tháp), Trường Lạc (Cần Thơ).
Theo kế hoạch dự kiến, đến năm 2020, ngành y tế sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn để đạt được mục tiêu có thêm 241 phường, xã đạt tiêu chí mô hình an toàn phòng chống đuối nước, tại nạn thương tích cho trẻ em. Trong đó, các năm 2018 và 2019 mỗi năm có thêm 71 phường, xã được công nhận an toàn và năm 2020 sẽ có thêm 99 phường xã đạt tiêu chí mô hình cộng đồng an toàn. Trong đó, tỉnh Nghệ An sẽ phấn đấu đạt 72 cộng đồng an toàn, Đà Nẵng có thêm 45 cộng đồng an toàn và thành phố Hà Nội cũng nhân rộng thêm 30 cộng đồng an toàn.
Thực tế cho thấy, tại các cộng đồng đạt tiêu chí an toàn đã góp phần tích cực tạo ra môi trường sống an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Những biện pháp che chắn, phòng ngừa độ rủi ro ở những nơi có mặt nước hở đã hạn chế tình trạng trẻ bị đuối nước ngay trong nhà. Đây là một giải pháp tích cực, cần tiếp tục được duy trì vì theo thống kê năm 2017, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước tại gia đình vẫn còn ở mức cao với tỷ lệ 28,31% ca mắc và 18,25% ca tử vọng, chỉ đứng sau tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất xảy ra trên đường đi là 42,46% ca mắc và 49,25% ca tử vong. Việc thực hiện tốt Chương trình xây dựng và nhân rộng mô hình an toàn chắc chắc sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ đuối nước và tử vong do đuối nước, hướng tới mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016- 2020.Box: Tiêu chuẩn của cộng đồng an toàn tại Việt Nam
– Ban Chỉ đạo/Ban CSSKBĐ xây dựng kế hoạch hàng năm cho công tác phòng chống TNTT và xây dựng cộng đồng an toàn ở địa phương và kế hoạch giảm thiểu các loại TNTT có nguy cơ cao tại cộng đồng.
– Trên 60% hộ gia đình trong cộng đồng nhận thức được nguy cơ và tham gia tích cực dự phòng tai nạn thương tích.
– Giảm thiểu 80% nguy cơ gây thương tích tại cộng đồng và xây dựng được các mô hình an toàn cho các nhóm nguy cơ cao tại cộng đồng.
– Tổ chức được hệ thống mạng lưới cộng tác viên để giám sát, ghi chép, phân tích được trên 80% số trường hợp TNTT và thực hiện được hoạt động sơ cấp cứu ban đầu.
– Giảm 10% các vụ tai nạn thương tích so với năm trước (5-7% đối với khu vực miền núi).
Hoài Thu
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc Hoạt động “Xây dựng các video clip về hướng dẫn xử trí, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích”) 31/07/2024