Tác hại của thủy ngân và các nguồn phát thải thủy ngân trong y tế
Nguyễn Thị Liên Hương, Cục Quản lý môi trường y tế
Thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Có ba nguồn phát thải thủy ngân chính gồm 10% từ nguồn địa chất tự nhiên, 30% từ hoạt động của con người và 60% thủy ngân “tái-phát thải” từ thủy ngân được thải ra trước đó tích tụ ở lớp đất bề mặt và đại dương hàng thế kỷ qua.
Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người. Chương trình môi trường liên hiệp quốc (UNEP) nêu rõ điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều thủy ngân lẫn trong sông hồ vốn luôn là nguồn nước sinh hoạt chính của con người. Theo số liệu của tổ chức này hiện có khoảng 260 tấn thủy ngân lẫn trong dòng nước của các sông hồ trên toàn thế giới, và cũng do hoạt động của con người. Trong vòng 100 năm qua, lượng thủy ngân đã tăng gấp đôi trên bề mặt của các đại dương. Còn ở đáy các đại dương, lượng thủy ngân cũng tăng 25%, cuối cùng chính con người là đối tượng đầu tiên chịu hậu quả từ thực trạng ô nhiễm trên, mà một trong những nguyên nhân đó là việc sử dụng nguồn thủy sản nhiễm thủy ngân.
Các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Nhiễm độc cấp tính thủy ngân thường do tai nạn như vỡ bình chứa, hỏa hoạn. Hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa, viêm thận, đạm huyết tăng nhanh (4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm a xit, gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng và bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.
Nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp do tiếp xúc với nồng độ thấp kéo dài. Các triệu chứng chủ yếu trên hệ tiêu hóa và hệ thống thần kinh. Các ảnh hưởng khác gồm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tiết niệu… Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm ruột, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm lợi, kèm vị đắng khó chịu, viêm miệng, loét niêm mạc và có thể thấy đường viền thủy ngân màu xanh ở bờ răng lợi. Các triệu chứng về thần kinh như run cố ý, bệnh Parkinson với biểu hiện run khi nghỉ và giảm chức năng vận động. Tiếp xúc mãn tính với thủy ngân có thể gây ra run mí mắt và rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp, thu hẹp thị trường. Thủy ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có cảm giác đau lan tỏa hay bong da bàn tay và bàn chân. Điển hình là bệnh Minamata do ăn cá và sò nhiễm độc methyl thủy ngân tại vịnh Minamata tỉnh Kumamoto Nhật Bản làm nhiễm độc 17.000 người, chết 1.484 người và 10.626 được bồi thường (tính đến 1997). Từ năm 1976, Việt Nam đã công nhận bệnh nhiễm độc thủy ngân là bệnh nghề nghiệp được đền bù.
Thủy ngân được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như hóa chất, phân bón, chất dẻo, kỹ thuật điện, điện tử, xi măng, sơn, tách vàng bạc trong các quặng sa khoáng, sản xuất các loại đèn huỳnh quang, pin, phong vũ kế, nhiệt kế, huyết áp kế, mỹ phẩm… Theo báo cáo của Cục hóa chất-Bộ Công thương tại Hội thảo quản lý và sử dụng an toàn hóa chất diệt khuẩn và thiết bị y tế có chứa thủy ngân tại Vũng tàu ngày 11/7/2014 thì Việt Nam có 4 ngành chính liên quan đến sử dụng và phát thải thủy ngân gồm sản xuất và sử dụng thiết bị chiếu sáng, đốt than từ nhà máy phân bón, lĩnh vực y tế và khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ. Hiện nay có khoảng 70 triệu bóng đèn huỳnh quang được sản xuất một năm tại Việt nam, sử dụng 3000 kg thủy ngân lỏng và 64 triệu hạt thủy ngân và làm phát thải khoảng 350.000 mg chất thải thủy ngân mỗi năm. Các nhà máy phân bón tiêu thụ khoảng 220.000 tấn than/năm (140.000 tấn than cục và 80.000 tấn than cám). Lượng thủy ngân phát thải từ than cục là 0,4 ppm và từ than cám là 0,2 ppm. Cho đến nay chưa có số liệu cụ thể về lượng thủy ngân sử dụng và phát thải từ hoạt động khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ không chính quy.
Trong lĩnh vực y tế, thủy ngân đã được sử dụng để chữa bệnh trong nhiều thế kỷ. Thế kỷ 16, trước khi có các chất kháng sinh, thủy ngân được dùng để điều trị giang mai. Thuốc có chứa thủy ngân để điều trị các triệu chứng bệnh như táo bón, trầm cảm, đau răng, lợi tiểu, sát trùng. Các hợp chất có chứa thủy ngân như Thimerosal được sử dụng trong một số sản phẩm nhãn khoa, dạng phun sương mũi họng, và vaccin; các sản phẩm tẩy trắng và một số hóa chất trong phòng thí nghiệm cũng chứa thủy ngân cũng như hỗn hợp Almagam trong nha khoa và pin. Ngoài ra nhiệt kế và huyết áp kế chứa thủy ngân được phát minh từ thế kỷ 18, 19 và được sử dụng cho đến ngày nay. Tại một số cơ sở y tế còn sử dụng thiết bị tháo lồng ruột có cột thủy ngân để kiểm soát áp lực khí bơm vào ruột bệnh nhân.
Hình 1: Nhiệt kế thủy ngân Hình 2: Huyết áp kế thủy ngân
Hình 3: Amalgam trong nha khoa (Hỗn hợp thủy ngân và oxit bạc)
Hình 4: Bóng đèn huỳnh quang Hình 5: Pin chứa thủy ngân
Hình 6: Máy tháo lồng ruột có chứa thủy ngân
Các nguồn phát sinh thủy ngân chính trong y tế từ nhiệt kế, huyết áp kế thủy ngân chưa vỡ, nhiệt kế và huyết áp kế thủy ngân vỡ, máy tháo lồng ruột có cột thủy ngân, Amalgam dùng trong nha khoa, các bóng đèn huỳnh quang chưa vỡ, các bóng đèn huỳnh quang vỡ (bóng đèn tuýp huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang compact, đèn sát khuẩn cực tím), khí thải từ lò đốt chất thải y tế có chứa thủy ngân. Chu trình phát thải thủy ngân được thể hiện tại hình 7 sau đây.
Hình 7: Chu trình phát thải thủy ngân từ hoạt động y tế |
Bảng 1: Hàm lượng thủy ngân trong một số thiết bị y tế
STT |
Loại thiết bị |
Hàm lượng thủy ngân |
1 |
Nhiệt kế |
0,5-1,5 g |
2 |
Huyết áp kế |
110-200 g |
3 |
Bóng đèn huỳnh quang |
10-50mg |
4 |
1 nang Amalgam (1 liều=200mg) |
100 mg |
Nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân nguyên tố khi thủy ngân giải phóng từ các thiết bị có chứa thủy ngân bị vỡ hoặc khi chỉnh sửa, bảo dưỡng thiết bị có chứa thủy ngân. Tại Việt Nam qua điều tra nhanh của chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP) năm 2007 tại 18 cơ sở y tế thì trung bình tỷ lệ nhiệt kế vỡ là 18,8% và trung bình lượng thủy ngân thải ra do nhiệt kế vỡ là 1,7g/giường bệnh/năm và từ huyết áp kế là 1,1g/giường bệnh/năm. Với số lượng giường bệnh trên cả nước là 196.311 giường bệnh (năm 2007), ước tính tổng số nhiệt kế bị vỡ hàng năm là 447.588 chiếc và tổng lượng thủy ngân thải ra từ nhiệt kế và huyết áp kế vỡ là 550kg/năm. Theo điều tra của Cục Quản lý môi trường y tế năm 2011 thì lượng thủy ngân sử dụng tạo amalgam để hàn răng trong nha khoa dao động từ 151g-5000g/bệnh viện/năm.
Để giảm phát thải thủy ngân từ các cơ sở y tế, biện pháp tốt nhất là dần thay thế các vật liệu, thiết bị có chứa thủy ngân bằng các vật liệu, thiết bị không chứa thủy ngân. Khi chưa thay thế được các vật liệu, thiết bị có chứa thủy ngân thì các cơ sở y tế phải quản lý và sử dụng an toàn các vật liệu, thiết bị có chứa thủy ngân, thu gom, vận chuyển, thải bỏ và lưu giữ đúng cách chất thải có chứa thủy ngân.
Xem thêm ...
- Danh sách chế phẩm được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 11/09/2024
- Danh mục các chế phẩm vệ sinh tay và sát khuẩn bề mặt dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 13/09/2022
- Thông tin các đơn vị đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm, kiểm nghiệm chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn 18/03/2020
- Bộ Y tế tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hóa chất khử khuẩn trong y tế 12/02/2020
- Đính chính Quyết định rút số đăng ký lưu hành 10/02/2020