Hỏi đáp về công tác quản lý chất thải y tế



Mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện. Liên quan đến nội dung này PV Báo Người Lao động xin gửi Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế một số câu hỏi - PV Ngọc Dung (Báo Người Lao động)

Câu 1:

Hỏi:

– Thực trạng quản lý rác thải y tế hiện nay tại các bệnh viện công lập và tư nhân như thế nào? Tại buổi tập huấn mới đây Bộ Y tế cho biết vẫn còn nhiều bệnh viện vi phạm quy định xử lý chất thải y tế. Đó là những vi phạm như thế nào?

– Tại các BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh lượng rác thải y tế là bao nhiêu và việc xử lý thường được thực hiện như thế nào? Việc quản lý chất thải rắn có những bất cập nào.
– Bộ Y tế có đánh giá gì về việc phân loại, thu gom, quản lý chất thải y tế tại các BV, nhất là BV tuyến trung ương, bệnh viện, phòng khám tư nhân?

Trả lời:

– Tỷ lệ bệnh viện thu gom chất thải rắn y tế hàng ngày là 90,9%; 100% chất thải y tế thu gom được xử lý bằng các phương pháp khác nhau (thuê xử lý là 44,2%; xử lý tại chỗ là 40,4%; phương pháp khác: 15,4%).r le

– Tỷ lệ bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải: 58,1% (trong đó 82,8% bệnh viện tuyến trung ương; 57,3% bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện); 7,9% bệnh viện đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế (Đối với các bệnh viện tuyến trung ương chưa có hệ thống, hiện đã được bố trí kinh phí và đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải).

 

– Những tồn tại của các bệnh viện: Thiếu kinh phí đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải; còn có hiện tượng để chất thải y tế lọt ra bên ngoài; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên bệnh viện chưa được thường xuyên; Lãnh đạo nhiều bệnh viện còn chưa quan tâm đến cong tác quản lý chất thải y tế; Nhiều địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải cho các bệnh viện.

 

 

Câu 2:

 

Hỏi:

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế trong phạm vi bệnh viện do người đứng đầu bệnh viện chịu trách nhiệm; Việc vận chuyển và xử lý chất thải bên ngoài khuôn viên bệnh viện thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Theo bà việc quản lý tác thải y tế hiện nay có những vấn đề nào đáng lo ngại, cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, nhất là chính quyền địa phương?

 

Trả lời:

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải y tế trong phạm vi bệnh viện do người đứng đầu bệnh viện chịu trách nhiệm; Việc vận chuyển và xử lý chất thải bên ngoài khuôn viên bệnh viện thuộc trách nhiệm quản lý và cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

 

 

 

Các bệnh viện hiện đang không đủ kinh phí để thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định (không có kinh phí đầu tư hệ thống xử lý; thiếu kinh phí chi vận hành, mua sắm các dụng cụ, hóa chất để xử lý chất thải) do theo quy định tại Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012, chỉ đến giai đoạn từ năm 2018 trở đi giá dịch vụ khám chữa bệnh mới được tính đủ các chi phí để thực hiện các dịch vụ trong đó có chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.

 

Cần có sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và quyết liệt hơn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp phép, thanh kiểm tra đối với các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại bên ngoài bệnh viện.

 

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, bố trí đủ kinh phí để các cơ sở y tế đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đặc biệt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh kiểm tra giám sát các cơ sở y tế trong việc thực hiện theo các Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

 

 

Câu 3

 

Hỏi:

 

Mới đây ở Tây Ninh đã xảy ra vụ việc chôn 63 tấn rác thải. Vậy mối nguy hại từ rác thải y tế và rác thải y tế có thể mang những mầm bệnh gì nếu được xử lý, quản lý không đúng quy trình?

 

Trả lời:

 

 

Chất thải y tế gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường. Chất thải rắn y tế nguy hại chiếm tỷ lệ khoảng 15-20% trong tổng số lượng chất thải rắn y tế phát sinh. Đối với chất thải rắn y tế thông thường (chiếm khoảng 80-85%) không chứa các yếu tố nguy hại và được xử lý như các chất thải rắn thông thường khác.

 

Chất thải y tế nguy hại có các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại cho sức khỏe nếu không được quản lý đúng quy định như: gây thương tổn kép (đối với chất thải sắc nhọn, vừa gây nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, vừa gây các vết thương tổn do vị kim đâm, vết cắt), các bệnh đường tiêu hóa, các bệnh ngoài da… đặc biệt nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Đối với chất thải rắn y tế nguy hại sẽ cần thu gom và xử lý bằng các phương pháp đặc biệt để làm mất các yếu tố nguy hại, đảm bảo đạt các quy chuẩn về môi trường.

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 


 


 

 

 

 

 

 

Xem thêm ...