Giao ban trực tuyến về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Ngày 24/7/2014, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương để đánh giá kết quả đã đạt được thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NTP), những khó khăn thách thức và giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình đã được
Tới dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; các đại biểu trung ương: Bộ trưởng Bộ NN & PTNT – Trưởng Ban Chủ nhiệm Chương trình Cao Đức Phát và các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình, các Bộ ngành có liên quan; các đại biểu địa phương: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở ban ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến hết tháng 6-2014, tỷ lệ số hộ nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch trên toàn quốc đạt 84%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 62,5%; trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96%; trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 90%. …
Ảnh: PGS.TS Nguyễn Huy Nga báo cáo kết quả hoạt động Hợp phần vệ sinh
Đối với Hợp phần vệ sinh của Chương trình do Bộ Y tế chủ trì là 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra (Tuy vậy: tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh có sự khác nhau giữa các vùng miền và vẫn còn 12 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50% đây là khó khăn, thách thức cho ngành y tế để được được mục tiêu). Thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương một số nội dung sau:
– Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong đó có mục tiêu về vệ sinh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh xem xét việc đưa mục tiêu vệ sinh vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm của địa phương; giao chỉ tiêu và quy trách nhiệm cụ thể cho UBND các huyện, xã nhằm có sự chỉ đạo quyết liệt.
– Cần có văn bản yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, giáo viên… phải gương mẫu, có nhà tiêu hợp vệ sinh và tham gia công tác tuyên truyền vận động người dân cùng thực hiện.
– Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo đạt các mục tiêu về vệ sinh. Tăng phân bổ vốn sự nghiệp dành cho ngành Y tế để tập trung triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho hệ thống, công tác tuyên truyền vận động, giám sát đánh giá việc triển khai thực hiện hợp phần vệ sinh.
– Chỉ đạo các trạm/nhà máy cấp nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm cấp nước an toàn và thực hiện việc tự kiểm tra giám sát chất lượng nước theo các quy chuẩn hiện hành (nội kiểm); Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chủ động lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt hằng năm (ngoại kiểm) và đồng thời bố trí đủ kinh phí triển khai thực hiện.
– Tăng cường chỉ đạo các hội, ban ngành đoàn thể đặc biệt là Hội phụ nữ các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai công tác tuyên truyền vận động người dân xây dựng, sử dụng bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh để điều tiết nguồn vốn dành cho các hộ gia đình vay xây dựng nhà tiêu tại các xã, huyện điểm triển khai chương trình (tránh hiện tượng có vùng thừa nguồn vốn vay, có vùng lại thiếu nguồn vốn vay từ NHCSXH).
– Đối với công trình vệ sinh trạm y tế xã đã gần đạt mục tiêu 100% vì vậy cần tăng cường chỉ đạo việc rà soát lại các công trình vệ sinh tại các trạm y tế xã; phân loại và ưu tiên xây mới công trình tại các xã chưa có công trình vệ sinh; thực hiện việc cải tạo những công trình có thể cải tạo được nhằm tránh lãng phí nguồn lực của Chương trình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận sự nỗ lực của bộ, ngành liên quan và địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình phát triển thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, kể cả cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Căn cứ vào quy hoạch, từng địa phương lập dựng kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh nước sạch nông thôn… để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Huy Cường
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân 14/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 và Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030) 26/07/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Điều tra, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050) 05/06/2024