Bộ Y tế trả lời về việc khám chữa bệnh ngoài giờ
(Chinhphu.vn) - Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Y tế cho biết các giải pháp để hạn chế những hậu quả tiêu cực do việc khám chữa bệnh (KCB) ngoài giờ có thể gây ra.
Về vấn đề đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nêu, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
Biện pháp góp phần giảm quá tải bệnh viện
Hiện nay, một số bệnh viện tuyến cuối (tuyến tỉnh, tuyến Trung ương) đang ở trong tình trạng quá tải. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các giải pháp chống quá tải bệnh viện, hầu hết các bệnh viện đều phải huy động nhân lực làm thêm ngoài giờ như đến khám bệnh trước giờ hành chính buổi sáng (có những nơi cán bộ y tế phải đến khám bệnh từ 6 giờ sáng như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nội tiết Trung ương,…) và phải KCB cho đến khi “giải quyết hết người bệnh mới về”.
Với hình thức này cán bộ y tế thực hiện theo tinh thần trách nhiệm, không vụ lợi. Tuy một số bệnh viện có giá khám ngoài giờ để chi trả thêm cho cán bộ y tế làm thêm giờ theo quy định của nhà nước, Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ bệnh viện, nhưng tất cả đều được công khai, minh bạch, mức giá thu thêm được cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, trên cơ sở vẫn đảm bảo các quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế và các đối tượng chính sách.
Việc kiểm tra giám sát thực hiện quy chế chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ được thực hiện theo các quy định của Nhà nước, quy chế bệnh viện. Hiện nay Bộ Y tế chưa nhận được phản hồi tiêu cực từ phía người bệnh đối với dịch vụ này.
Rút giấy phép hành nghề nếu vi phạm quy định
Mặt tích cực của hình thức KCB ngoài giờ do cán bộ y tế cơ sở công lập thực hiện ngoài phạm vi bệnh viện là đóng góp vào việc tạo điều kiện cho người dân nhận được các dịch vụ KCB thông thường, ngoài giờ hành chính, người dân có thể đến các phòng khám tư nhân để KCB.
Các phòng mạch tư nhân tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần giảm quá tải bệnh viện. Để được hành nghề KCB tư nhân, cán bộ y tế phải có giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện do Sở Y tế cấp. Trong thời gian qua, đã có trên 30 nghìn cơ sở KCB tư nhân được cấp giấy phép.
Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào cung cấp các dịch vụ KCB, cũng còn tồn tại một số hạn chế ở mức độ cá nhân như: Cán bộ y tế cơ sở KCB công lập nghỉ làm sớm để về phòng khám tư nhân làm thêm, trong khi chưa giải quyết hết người bệnh tại bệnh viện.
Về vấn đề này, trách nhiệm quản lý thời gian làm việc của nhân viên, cán bộ thuộc người đứng đầu cơ sở KCB. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề y và cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, quy định rõ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đăng ký việc đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn tại cơ sở KCB và đăng ký giờ hành nghề tại các cơ sở KCB.
Mỗi bác sỹ chỉ được đăng ký đứng đầu, chịu trách nhiệm chuyên môn tại một cơ sở KCB. Giờ đăng ký KCB phải phù hợp, đảm bảo không có sự chồng chéo, bớt xén thời gian làm việc của Nhà nước, gây mất công bằng, phiền hà đối với người bệnh.
Nếu người hành nghề vi phạm và bị phát hiện sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, cơ sở vi phạm nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Xem thêm ...
- Dân hỏi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời 16/04/2018
- Xử lý chất thải nguy hại đối với cơ sở khám bệnh tư nhân 29/11/2016
- Quản lý chất thải y tế tái chế 04/08/2016
- Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Hà Nội 04/08/2016
- Hỏi đáp về công tác quản lý chất thải y tế 09/07/2015