Nhiều dịch bệnh diễn biến nguy hiểm



Trong khi dịch bệnh do virus Ebola có thể xâm nhập Việt Nam qua đường du lịch thì tại TP HCM, dịch tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả có nguy cơ bùng phát mạnh

Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh chiều 6-8, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola (EVD) tại Tây Phi tăng kinh khủng trong những ngày gần đây. Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng dịch đã xảy ra trên 11 quốc gia, vùng lãnh thổ với tốc độ lây lan rất nhanh. Hiện có hơn 1.600 trường hợp mắc Ebola, trong đó 887 người đã chết. Đặc biệt, có đến 100 cán bộ y tế bị lây nhiễm virus Ebola.

Coi chừng thảm họa Ebola

Theo TS Nguyễn Thị Phúc, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, hầu hết người bị Ebola đều do tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc, chất dịch trong cơ thể người nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh là sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt. WHO đánh giá đây là dịch bệnh phức tạp và gây khó khăn nhất từ trước tới nay. Nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt, virus này sẽ lan rộng và gây ra thảm họa.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) để phát hiện dịch bệnh

Theo ông Phu, dịch bệnh lan xuyên biên giới này có thể xâm nhập Việt Nam qua các nhóm: Công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus này.

Trước tình hình nêu trên, ngày 6-8, Bộ Y tế đã khẩn cấp ban hành quyết định về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống EVD với các yêu cầu tăng cường kiểm dịch y tế biên giới và giám sát, theo dõi tại cộng đồng khi có ca bệnh.

“Việc cấp thiết Việt Nam cần làm hiện nay là tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì mới ngăn chặn được EVD vào và bùng phát ra cộng đồng. Đặc tính của virus Ebola là lây nhanh và mạnh, tỉ lệ tử vong lên tới 90% trong khi nguồn lây bệnh rất đa dạng” – ông Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng lưu ý sự nguy hiểm của virus Ebola là hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc phòng tránh vẫn là biện pháp duy nhất để giảm số mắc và tử vong do virus này.

TP HCM: Nguồn nước có vi khuẩn tả

Trong khi Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt nguy cơ từ những dịch bệnh nguy hiểm như MES-CoV, Ebola… thì tại TP HCM, dịch tiêu chảy cấp được dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau khi dịch tiêu chảy xuất hiện ở TP HCM khiến 2 trẻ tử vong, Viện Pasteur TP đã lấy mẫu môi trường và thực phẩm ở chợ Cầu Xáng (huyện Bình Chánh) xét nghiệm. Kết quả, mẫu ốc bươu vàng dương tính với vi khuẩn V. cholera O1 tuýp huyết thanh Inaba. Vi khuẩn này đã gây dịch tả năm 2007 tại 24 tỉnh, thành với hàng ngàn người mắc.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc phát hiện vi khuẩn tả trong ốc bươu vàng có nghĩa nguồn nước đã bị nhiễm vi khuẩn này và nhiều khả năng lây lan trong cộng đồng. Theo ông Phu, kiểm tra các khu vực có dịch tả tại TP HCM vừa qua cho thấy môi trường sống của người dân ngoại thành rất ô nhiễm, nhiều nơi vẫn đi vệ sinh thẳng xuống ao cá. Đây là nguy cơ khiến vi khuẩn tả có điều kiện phát triển, lây lan.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát lớn các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là dịch tả ở TP HCM, nếu không kiểm soát nguồn nước và cải thiện vệ sinh môi trường.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 565 trường hợp viêm não do virus, trong đó 22 người tử vong. Riêng tỉnh Sơn La, từ tháng 6 đến nay đã ghi nhận hơn 100 ca mắc hội chứng viêm não, màng não và có 13 trường hợp tử vong.

 

Bài và ảnh: Ngọc Dung

 

Xem thêm ...