Khi hàng xóm mắc bệnh tâm thần làm mất trật tự khu phố
(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Nguyễn Thanh Sơn (thanhson0607@...), cạnh nhà ông có 1 người thường xuyên gây rối mất trật tự an ninh khối xóm. Ông đã báo cáo tình trạng này với chính quyền và công an xã, nhưng được trả lời là không thể xử lý được vì đối tượng này mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Ông Sơn muốn biết, pháp luật quy định thế nào khi người được cho là có biểu hiện tâm thần vi phạm pháp luật?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời thắc mắc của ông Sơn như sau:
Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị ngăn chặn kịp thời để hạn chế thấp nhất hậu quả có thể xảy ra. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính
Đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm là hành vi vi phạm hành chính phải bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…
Tuy nhiên, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người không có năng lực trách nhiệm hành chính, theo đó những người này không bị xử phạt vi phạm hành chính và không bị áp dụng các biện pháp hành chính.
Về xử lý theo pháp luật hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật. Đối với mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật hình sự.
Khoản 1 Điều 13 BLHS quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo quy định tại Điều 43 BLHS, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề ông Nguyễn Thanh Sơn phản ánh, hộ liền kề gia đình ông có một người thường xuyên gây rối trật tự an ninh khối xóm. Theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội xảy ra, được nhân dân phản ánh, trình báo, tố giác thì chính quyền, công an địa phương phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất hậu quả của hành vi vi phạm và khẩn trương thực hiện việc điều tra, xử lý truy cứu trách nhiệm người vi phạm.
Nếu hành vi đó là vi phạm hành chính thì cần gọi hỏi, răn đe, giáo dục, thuyết phục, xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp hành chính đối với người vi phạm. Nếu hành vi đó là là hành vi phạm tội được quy định tại BLHS thì phải khởi tố điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật hình sự.
Trong quá trình xử lý, nếu thấy người có hành vi gây rối trật tự công cộng, có dấu hiệu tâm thần, cơ quan công an cần trưng cầu giám định tâm thần. Đối với người mắc bệnh tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật trong tình trạng bệnh tâm thần thì không bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp hành chính đối với họ.
Trường hợp phạm tội trong khi mắc bệnh tâm thần thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm đưa người tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Chính quyền, công an địa phương chỉ có thể yêu cầu thân nhân đưa người bệnh vào cơ sở điều trị nhưng nếu họ không có điều kiện, khả năng tài chính thì cũng không thể xử lý thân nhân của họ. Tuy nhiên, thân thân, gia đình người mắc bệnh tâm thần cần nhận thức rõ hậu quả mà người tâm thần có thể thực hiện trong tình trạng vô thức, để đưa người thân đi chữa bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa hoặc có biện pháp quản lý, phòng ngừa thích hợp tại gia đình.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
Xem thêm ...
- Dân hỏi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời 16/04/2018
- Xử lý chất thải nguy hại đối với cơ sở khám bệnh tư nhân 29/11/2016
- Quản lý chất thải y tế tái chế 04/08/2016
- Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Hà Nội 04/08/2016
- Hỏi đáp về công tác quản lý chất thải y tế 09/07/2015