Hội thảo chuyên đề



“Xây dựng nội dung về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong dự thảo Luật an toàn vệ sinh lao động”

ThS. Phạm Xuân Thành
Cục Quản lý môi trường y tế

Ngày 15/7/2013 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức hội thảo chuyên đề “Xây dựng nội dung về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động”. Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cùng hơn 70 đại biểu đại diện Ban chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam, Lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình và đại diện Lãnh đạo các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, Lãnh đạo khoa Y tế lao động, bệnh nghề nghiệp của 31 tỉnh thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga đã đánh giá: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn vệ sinh lao động ban hành với số lượng lớn; hầu hết các lĩnh vực về an toàn lao động, vệ sinh lao động, các chế độ chính sách về bảo hộ lao động, các tiêu chuẩn phân loại sức khỏe, các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động, tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp,… đều có văn bản điều chỉnh, vì thế đã tạo ra hành lang pháp lý để kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bước đầu đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành thường xuyên được sửa đổi, bổ sung mới nhằm phù hợp với nhu cầu thực tiễn, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Văn bản quy phạm pháp luật đã được tiếp cận theo hướng mới, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm (quản lý dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng);
Tuy nhiên, việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau nên có sự chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc bỏ sót một số lĩnh vực…gây khó khăn cho việc áp dụng; việc triển tổ chức thực hiện còn chậm và thiếu kiên quyết; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn làm căn cứ để thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu. Việc rà soát, chuyển đổi tiêu chuẩn Việt nam, tiêu chuẩn ngành về vệ sinh lao động sang quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn chậm; Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế; tính ổn định của một số văn bản còn thấp; Một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu cụ thể dẫn đến việc văn bản này ban hành xong lại phải đợi thêm một văn bản khác mới thực hiện được. Vì vậy, việc ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn vệ sinh lao động là rất cấp bách và cần thiết”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe khung đề cương Luật An toàn vệ sinh lao động do ThS. Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng, Cục An toàn lao động trình bày; các nội dung cơ bản về vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động, quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động do TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế trình bày và báo cáo tham luận của các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế.
Sau một ngày làm việc sôi nổi và tích cực, các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất cao đề nghị đưa các nội dung: Tổ chức y tế tại các cơ sở lao động; Quản lý sức khỏe người lao động; Quản lý vệ sinh lao động; Huấn luyện về cấp cứu; Thanh tra chuyên ngành vệ sinh lao động; Điều dưỡng phục hồi chức năng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào Luật An toàn vệ sinh lao động.

Xem thêm ...