Hội nghị lần thứ 4 về Đánh giá tác động sức khỏe khu vực Châu Á Thái Bình Dương



Các đại biểu là đại diện cơ quan đầu mối về ĐTS của các nước Châu Á Thái Bình Dương, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Ngân Hàng Thế Giới, và các nhà khoa học đến từ một số các quốc gia khác. Cơ quan đầu mối về ĐTS ở Việt Nam là Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế và

Từ ngày 9 đến ngày 11/10/2012, Hội nghị lần thứ 4 về Đánh giá tác động sức khỏe (ĐTS) khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Cuộc họp chính thức của nhóm chuyên đề về ĐTS đã diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Các đại biểu là đại diện cơ quan đầu mối về ĐTS của các nước Châu Á Thái Bình Dương, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Ngân Hàng Thế Giới, và các nhà khoa học đến từ một số các quốc gia khác. Cơ quan đầu mối về ĐTS ở Việt Nam là Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế và Cục Thẩm định – Tổng cục môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội nghị là cơ hội chia sẻ và học tập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực cũng như từ Anh, Mỹ, Đan Mạch về việc tiến hành ĐTS cũng như việc thúc đẩy thực hiện ĐTS trong các lĩnh vực khác nhau. Chủ đề chung của hội nghị là “ĐTS cho một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc”.

Các vấn đề chính được thảo luận bao gồm:
– Phương pháp tiếp cận ĐTS dựa trên bằng chứng
– Thực hành ĐTS: rào cản và thách thức
– Xây dựng năng lực và đào tạo ĐTS
– Thể chế hoá ĐTS
– Đánh giá ĐTS
– Hợp tác quốc tế
Ngoài ra hội nghị còn thảo luận các vấn đề:

– Liên kết ĐTS với các hình thức đánh giá tác động khác
– Thiên tai, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác

Thông qua báo cáo của các đại biểu cho thấy ĐTS được thực hiện tại các quốc gia trong khu vực ở các cấp độ và hình thức khác nhau.
Nhìn chung tại Thái Lan và Hàn Quốc, ĐTS đã được thể chế hóa trong cả chính sách và triển khai trong các dự án phát triển. Tại Thái Lan cơ quan quản lý ĐTS là Văn phòng Ủy ban Y tế quốc gia và Bộ Y tế, hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi ĐTS đã được thành lập từ trung ương đến địa phương và hoạt động có hiệu quả. Tại Hàn Quốc, ĐTS được đề cập trong hệ thống đánh giá tác động môi trường (Đạo luật về đánh giá tác động môi trường được ban hành vào năm 1993, sửa đổi năm 1997 và mới nhất năm 2009). Hiện nay ĐTS tại Hàn Quốc được đưa vào trong Kế hoạch hành động Y Tế đến năm 2020.

Tại Cam-pu-chia, Mông Cổ, Philippin…đang từng bước thể chế hóa ĐTS theo các cách thức khác nhau. Cam-pu-chia đang cố gắng để có những chính sách về ĐTS và được sự chấp thuận của Uỷ ban Quốc gia về Môi trường và Y tế. Đồng thời quốc gia này cũng tìm cách để đưa ĐTS vào quá trình đánh giá tác động môi trường. Bộ Y tế Cam-pu-chia đang xem xét khả năng nâng cao năng lực ĐTS cho đội ngũ cán bộ. Mông Cổ đang vận động lồng ghép ĐTS vào quá trình đánh giá tác động môi trường và đưa ra các hướng dẫn cho việc thực hiện ĐTS. Đồng thời Mông Cổ cũng đã có các chính sách đánh giá rủi ro nói chung và đánh giá tác động môi trường nói riêng. Tại Philippin, đánh giá tác động sức khỏe môi trường được đề cập vào năm 1997. Tuy nhiên cho đến hiện tại chưa có nhiều hoạt động ĐTS được triển khai.

Tại Việt Nam, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2007 quy định “Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm chỉ được xây dựng sau khi có thẩm định của cơ quan y tế có thẩm quyền về báo cáo đánh giá tác động sức khỏe”. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam chưa có văn bản nào hướng dẫn triển khai ĐTS. Để chuẩn bị lộ trình cho ĐTS được thể chế hóa, Cục Quản lý môi trường y tế đã tiến hành đào tạo nâng cao năng lực ĐTS cũng như xây dựng tài liệu hướng dẫn ĐTS cho cán bộ tuyến tỉnh.

Kết thúc hội nghị, cuộc họp nhóm nhóm chuyên đề về ĐTS đã thảo luận và đưa ra các hoạt động ưu tiên:

– Lập kế hoạch hành động nâng cao năng lực thực thi ĐTS tại các quốc gia.

– Xây dựng kế hoạch của khu vực về nhu cầu đào tạo, học tập nâng cao năng lực ĐTS cho các cán bộ đầu mối tại các quốc gia.

– Chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các quốc gia và WHO, WB.

Người viết bài: TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Ths Nguyễn Thị Thanh Tâm

Xem thêm ...