Giám sát và phòng chống các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở Việt Nam



Phương Ngân Như chúng tôi đã trình bày ở các số tạp chí trước, amiăng với những ưu thế nổi trội thực sự là một loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, việc khai thác, sản xuất và tiêu dùng các […]

Phương Ngân
Như chúng tôi đã trình bày ở các số tạp chí trước, amiăng với những ưu thế nổi trội thực sự là một loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, việc khai thác, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm từ amiăng cũng có những tác hại rất lớn đối với môi trường và sức khỏe của con người.

Đặc biệt, amiăng là mối họa tiềm ẩn đối với những người lao động phải trực tiếp, thường xuyên và tiếp xúc lâu dài với amiăng. Trong các loại ngành nghề liên quan đến amiăng, sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng là ngành nghề có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến amiăng cao nhất (64,8%). Còn lại là những ngành nghề sản xuất, đóng mới và sửa chữa tàu biển, các cơ sở sử dụng nồi hơi, cấp nhiệt cho hoạt động công nghiệp… Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) hiện ở Việt Nam có khoảng 11.000 người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có liên quan đến amiăng, trong đó khoảng 80% là lao động nam và 20% là lao động nữ. Người lao động tiếp xúc trực tiếp với amiăng tính trung bình từ năm 2005 – 2009 khoảng 8.450 người chiếm 76,8% tổng số trung bình người lao động làm việc tại các doanh nghiệp liên quan đến amiăng.

Kết quả phân tích các mẫu bụi có amiăng giai đoạn 2009 – 2011 cho thấy, khu vực khoan khai thác mỏ serpentin và khu vực nghiên quặng có nồng độ sợi amiăng trong không khí môi trường lao động cao nhất, dao động từ 0,2 – 0,7 sợi/ml không khí, vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 2 – 7 lần và ở các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng nồng độ amiăng cao tập trung tại khu vực gỡ bao, nghiền trộn amiăng. Tại các khu vực này, nồng độ sợi amiăng trong không khí dao động từ 0,1 – 0,8 sợi/ml không khí.

Trước thực trạng đó và những cảnh báo của các nước (đặc biệt các nước phát triển) về hậu quả của các căn bệnh nghề nghiệp có liên quan đến amiăng, Việt Nam cũng đã quan tâm khảo sát, nghiên cứu, giám sát về tác hại của amiăng đối với sức khỏe người lao động. Tuy nhiên do hệ thống theo dõi và báo cáo chưa cung cấp được những số liệu liên tục và đầy đủ về việc tiếp xúc và sức khỏe, bệnh tật của người lao động nên kết quả còn hạn chế. Mặt khác, ở Việt Nam mới chỉ có bệnh bụi phổi amiăng được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù từ năm 1976 (nhưng cho đến năm 2013, trên cả nước cũng mới chỉ giám định và đền bù được 3 trường hợp bệnh bụi phổ amiăng). Nhiều căn bệnh khác liên quan đến amiăng như ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, màng phổi… cho đến nay vẫn chưa được công nhận là bệnh nghề nghiệp, do đó chưa có số liệu thống kê về các căn bệnh này. Đồng thời thủ tục ban hành và công nhận bệnh nghề nghiệp đối với bệnh có liên quan đến amiăng vẫn còn nhiều vướng mắc như thời gian ủ bệnh kéo dài, đối tượng bệnh nhân được chẩn đoán không tìm được mối liên hệ với tiếp xúc nghề nghiệp. Điều đó cũng hạn chế đến kết quả nghiên cứu và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, trong thời gian qua Việt Nam cũng đã có những cố gắng rất lớn trong việc nghiên cứu các bệnh có liên quan đến amiăng để có cơ sở giám sát, xử lý. Các đề tài nghiên cứu cấp Bộ (giai đoạn 2010 – 2011) đã khảo sát tại cộng đồng (khảo sát hồi cứu lại tình trạng bệnh và tiền sử tiếp xúc với amiăng ở 117 trường hợp tử vong do ung thư màng trong giai đoạn 2007 – 2008 theo báo cáo tử vong hàng năm của y tế xã/ phường trên toàn quốc) và tại bệnh viện (6 bệnh viện lớn: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh và Học viện Quân y 103) bước đầu đã thu được những kết quả thiết thực. Cùng với đó, kết quả giám sát sức khỏe người lao động tại các nhà máy sản xuất tấm lợp do Bệnh viện Xây dựng thực hiện cho thấy, hàng năm mới chỉ có khoảng 21 – 27 doanh nghiệp (45,6 – 58,7%) có liên quan đến amiăng thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, số lượng công nhân được khám mới đạt 50 – 84% tổng số công nhân.

Từ những kết quả khảo sát thực tế đó, các cơ quan quản lý, có trách nhiệm đã có những biện pháp để giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề về bệnh nghề nghiệp có liên quan đến amiăng ở Việt Nam. Bộ Xây dựng đã ban hành và trình Chính phủ ban hành các văn bản quản lý vật liệu xây dựng: Quyết định về Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2010; về Quy hoạch phát triển tổng thể vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 quy định nghiêm cấm sử dụng amiăng màu trong sản xuất tấm lợp; về Danh mục mã số vật liêu xây dựng amiăng thuộc nhóm amphiobole cấm nhập khẩu cùng nhiều Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng, của Liên Bộ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Bộ Xây dựng hướng dẫn đảm bảo môi trường trong sử dụng amiăng vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng. Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quản lý an toàn vệ sinh lao động, giám sát quản lý sức khỏe người lao động (Quyết định ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh lao động trong đó quy định mức tiếp xúc với amiăng 0,1 sợi/ml không khí/ 8 giờ làm việc và 0,5 sợi/ml không khí/ 1 giờ làm việc; các Thông tư hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp; Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trong đó hướng dẫn quản lý môi trường lao động và sức khỏa người lao động có tiếp xúc với amiăng.

Đặc biệt, ngành y tế đã có những hoạt động thiết thực chắm sóc sức khỏe và phòng chống các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng: Đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp quy, đáp ứng công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động tiếp xúc với amiăng. Hiện Cục Quản lý môi trường y tế đã hoàn thành Dự thảo hướng dẫn chẩn đoán tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp để bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm. Bộ Y tế đã có Công văn báo cáo về tác hại của amiăng và khuyến nghị Tổ chức Y tế thế giới đối với việc cấm hoàn toàn sử dụng amiăng để tiến tới loại trừ các bệnh có liên quan đến amiăng gửi Bộ Công Thương để Bộ này tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ quyết định. Trong Bộ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bổ sung, Bộ Y tế cũng đã đề xuất về việc cấm sử dụng các chất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng khi phá dỡ vật liệu xây dựng. Đồng thời với việc ban hành hệ thống văn bản pháp quy, ngành y tế cũng đã có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe và phòng chống các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng như: Xây dựng và cập nhật Hồ sơ quốc gia về sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến amiăng theo hướng dẫn của WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (cập nhật đến năm 2011 và đang được bổ sung cập nhật số liệu đến hết 2013); Chỉ đạo đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng; Nâng cao năng lực trong việc giám sát môi trường lao động, khám chẩn đoán và giám sát sức khỏe người lao động có tiếp xúc với amiăng thông qua các lớp tập huấn trong và ngoài nước, cung cấp trang thiết bị cho các viện đầu ngành và một số tỉnh trọng điểm; Phối hợp với hệ thống bệnh viện và các chuyên gia quốc tế của Nhật, Úc, theo dõi và nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng, ung thư trung biểu mô thông qua hệ thống bệnh viện (các trung tâm ghi nhận ung thư và các bệnh viện ung bướu…) đồng thời hỗ trợ và soát các tài liệu và nghiên cứu liên quan đến vật liệu thay thế amiăng ở Việt Nam.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, với những định hướng hoạt động đúng đắn, thiết thực, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng (đặc biệt nhóm người lao động có liên quan đến amiăng) và sự quan tâm, giúp đỡ của WHO và bạn bè quốc tế, hy vọng rằng việc giám sát và phòng chống các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở Việt Nam sẽ thu được những kết quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt đường lối chính sách y tế ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.

Xem thêm ...