Công tác Phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh lao động, Phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020



Mỗi năm trên thế giới có hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích gây ra. Thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở độ tuổi lao động từ 15-44. Theo thống kê của ngành Y tế, […]

Mỗi năm trên thế giới có hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích gây ra. Thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở độ tuổi lao động từ 15-44. Theo thống kê của ngành Y tế, trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng 900.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích, trên 34.000 người tử vong, chiếm 11-12% tổng số tử vong toàn quốc. Đứng đầu là tử vong do tai nạn giao thông chiếm 44,8%; trung bình trên 15.000 người tử vong/năm. Đứng thứ hai là đuối nước với trung bình 6.000 người tử vong/năm, trong đó trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi chiếm trên 50%. Đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị và kế hoạch tăng cường công tác Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng giai đoạn 2011 – 2015. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2158/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế được giao chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội chỉ đạo các cơ sở Khám chữa bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện cấp cứu, điều trị trẻ em bị tai nạn thương tích; nâng cao đội ngũ cán bộ y tế về phòng, chống thương tích trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cộng đồng an toàn”, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Trên cơ sở này các đơn vị trong ngành Y tế đã tăng cường triển khai công tác PCTNTT từ Trung ương đến địa phương. Hàng năm Bộ Y tế và nhiều địa phương đã quan tâm và bố trí ngân sách để thực hiện công tác PCTNTT. Cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, ngành y tế đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác phòng chống tai nạn thương tích đó là: (1) Công tác truyền thông giáo dục về các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được thực hiện ở hầu hết các tỉnh/ thành phố; (2) Hệ thống giám sát về mắc và tử vong tai nạn thương tích được thiết lập trên phạm vi toàn quốc; phản ánh được chính xác số trường hợp tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng; (3) Mạng lưới cấp cứu và hệ thống chăm sóc chấn thương thiết yếu đã được củng cố. Chất lượng sơ cấp cứu được tăng cường qua đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn chuyên môn; (4) Mô hình cộng đồng an toàn được phổ biến, triển khai rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố; (5) Giai đoạn 2011-2015, tỉ suất tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng giảm hơn so với giai đoạn 2006-2010. Tử vong do Tai nạn giao thông và đuối nước có xu hướng giảm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên, song công tác phòng chống tai nạn thương tích ở Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ lệ mắc/chết do TNTT vẫn còn cao, đặc biệt là trẻ em. Tử vong do tai nạn lao động vẫn chưa có xu hướng giảm.

Ngày 21-22/12/2015 tại TP. HCM, Cục quản lý môi trường y tế bộ y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2011-2015, định hướng 2016-2020 khu vực phía nam. Mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và thảo luận, đề xuất đinh hướng ưu tiên cho công tác phòng chống thương tích, công tác vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020.

 

22.12.15_1

  1. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục QLMTYT phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết

Đến dự và phát biểu khai mạc tại hội nghị có TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế. Tham dự hội nghị có các các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phong chống tai nạn thương tích ngành y tế, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ quân đội, đại diện Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Sức khoẻ lao động và môi trường các tỉnh phía nam, đại diện Tổ chức Swim Việt Nam.

Về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp cải thiện điều kiện lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo đảm ATVSLĐ là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động được thể hiện rõ qua Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII VIII, IX X, XI. Ngày 18/9/2013 Ban bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về việc đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chỉ thị đã yêu cầu “Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức và doanh nghiệp cần xác định công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm. Gắn công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị. Ban hành các tiêu chí, chuẩn mực về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Ngày 25/6/2015 Quốc hội đã thông qua luật An toàn, vệ sinh lao động và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đây là Luật chuyên ngành có nhiều quy định cụ thể về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Do có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đã có những thay đổi đáng kể về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chúng ta thu được kết quả đáng phân khởi, cụ thể:

(1) Các tỉnh, thành phố đã bố trí ngân sách, nguồn hỗ trợ của các dự án để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Mạng lưới y tế lao động đã được xây dựng và bao phủ từ Trung ương đến tuyến tỉnh, bước đầu triển khai ở tuyến huyện và tuyến cơ sở thực hiện nhiệm vụ chăm sóc khỏe người lao động, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đến nay toàn quốc đã có trên 100 đơn vị công bố đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế. Các đơn vị đủ điều kiện đo kiểm tra môi trường lao động đã bao phủ tại 63 tỉnh, thành phố; (2) Tổng số người lao động được khám sức khoẻ định kỳ hàng năm trong giai đoạn 2011–2015 đã tăng 1,7 lần số lượng được khám giai đoạn 2006–2010. Hiện trung bình một năm có khoảng 2-3 triệu lượt người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ người lao động có sức khoẻ loại loại 4 và 5 chiếm trên 10%, tăng hơn so với giai đoạn 2006 – 2010; (3) Trung bình mỗi năm khám bệnh nghề nghiệp cho gần 100.000 người lao động, phát hiện 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp, trong đó có 8,2% người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần, và 34,8% người lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng;

22.12.15_2

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết

Tuy nhiên, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn một số hạn chế: Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn rất thiếu, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu nhiệm vụ;  Việc khám sức khỏe định kỳ mới tập trung cho việc phân loại sức khỏe, phát hiện bệnh tật thông thường và tùy vào cơ sở lao động để có phối hợp với khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Các tỉnh, thành phố và y tế bộ ngành có phòng khám bệnh nghề nghiệp cũng chỉ khám được 2-3 bệnh  nghề nghiệp do trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn hạn chế, cán bộ y tế được đào tạo cơ bản về bệnh nghề nghiệp còn rất ít, máy móc thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán còn thiếu nhiều, đặc biệt là các máy chuyên sâu.

Hy vọng rằng trong thời gian tới với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự cố gắng của ngành y tế công tác phòng chống tai nạn thương tích, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp sẽ thu được nhiều kết quả hơn.

 

Cục Quản lý môi trường y tế

 

Xem thêm ...