Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Hoa Kỳ



Từ ngày 17-25/4/2017, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các đơn vị Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Y tế dự […]

Từ ngày 17-25/4/2017, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các đơn vị Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Y tế dự phòng, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Viện Kiểm định Vắc xin và Sinh phẩm TW.

Tại thủ đô Washington D.C, Đoàn đã tham dự hội nghị cấp cao về vệ sinh và nước sạch cho mọi người. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng của các Bộ ngành liên quan đến vệ sinh và nước sạch và Bộ trưởng Bộ Tài chính của các nước. Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã trao đổi về những thành tựu trong công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh toàn cầu, những bài học kinh nghiệm và các thách thức cũng như thảo luận về chính sách nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về nước sạch và vệ sinh cho mọi người đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên toàn thể hội nghị cấp Bộ trưởng về vệ sinh và nước sạch

Trong thời gian hội nghị, đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam cũng đã tham gia 3 phiên đối thoại cấp Bộ trưởng về (1) Làm thế nào để đạt được vệ sinh an toàn và công bằng cho tất cả mọi người; (2) Các giải pháp để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong việc đảm bảo nước sạch và vệ sinh trong thiên tai thảm hoạ và biến đổi khí hậu; (3) Những thách thức trong việc đảm bảo bền vững tài chính trong việc cải thiện vệ sinh và nước sạch. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có trình bày tại phiên đối thoại cấp Bộ trưởng số 1 cũng như các bài tham luận và đóng góp những ý kiến tích cực trong các phiên đối thoại. Các bài trình bày và tham luận của đoàn Việt Nam được Bộ trưởng các nước đánh giá cao và mang tính dẫn dắt các ý kiến thảo luận tiếp theo, đặc biệt là các sáng kiến về truyền thông thay đổi hành vi, hợp tác công tư và tăng cường sự tham gia của khối tư nhân để đảm bảo cải thiện bền vững việc cung cấp các dịch vụ vệ sinh và nước sạch cho mọi người. Tại các phiên đối thoại, các đại biểu cũng đã chia sẻ những sáng kiến, bài học hay để thúc đẩy việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ví dụ đại biểu một số nước châu Phi chia sẻ sáng kiến “Không có toilet thì không cung cấp nước sạch”, do nước sạch là nhu cầu quan trọng ở những nơi thiếu nước như các quốc gia châu Phi nên đã đưa ra chính sách chỉ cung cấp nước sạch cho những nhà nào đã xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trình bày tham luận về sáng kiến thúc đẩy vệ sinh của Việt Nam tại phiên đối thoại với Bộ trưởng các nước

Song song với chương trình nghị sự chính thức của hội nghị cấp cao nước sạch và vệ sinh cho mọi người, Đoàn công tác cũng đã có những buổi làm việc bên lề với đại diện cấp cao của UNICEF, Ngân hàng Thế giới để tăng cường hợp tác và huy động hỗ trợ từ các nhà tài trợ quan trọng này cho việc cải thiện vệ sinh và nước sạch của Việt Nam. UNICEF và Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những kết quả các hoạt động cải thiện vệ sinh nông thôn trong thời gian qua và bày tỏ việc xem xét hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tăng cường hợp tác công tư và phát triển thị trường vệ sinh, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục triển khai các sáng kiến vệ sinh dựa vào cộng đồng như PforR, CLTS, mô hình cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi. UNICEF cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chỉ số giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững về vệ sinh và nước sạch (SDG6). Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã có các buổi làm việc với Phó Tổng giám đốc UNAIDS, Phó Tổng Giám đốc Liên Hiệp Quốc – Tổng Giám đốc UNAIDS để thảo luận các lĩnh vực hợp tác và hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phát triển hệ thống y tế.

Trong thời gian làm việc tại Mỹ, Đoàn đã làm việc với trường Đại học Y tế công cộng Boston thảo luận về việc trao đổi tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo tăng cường năng lực về sức khoẻ môi trường như các nghiên cứu về phòng chống tác hại của amiăng, ô nhiễm không khí trong nhà, ngoài nhà tới sức khoẻ; nghiên cứu về mối liên quan giữa ung thư và các yếu tố môi trường, tài chính y tế dự phòng, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS; các công nghệ mới trong lĩnh vực phân tích phòng thí nghiệm môi trường và thực phẩm… Lãnh đạo các trường đại học YTCC Boston và ĐH Y Harvard đã cam kết sẽ sớm tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực ưu tiên nói trên trong tương lai gần, trong đó bao gồm phối hợp tham gia thực hiện các nghiên cứu, hỗ trợ chuyên gia có kinh nghiệm và tài chính.

Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo trường đại học YTCC Boston

Đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc với trường Đại học Y khoa Harvard. làm việc với bệnh viện Brighham and Women tìm hiểu về những thành tựu và cơ hội hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực nghiên cứu, phòng thí nghiệm và ứng dụng công nghệ mới về sinh học phân tử và tế bào trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh ung thư, viêm gan, HIV/AIDS, cúm… Đoàn cũng đã có hàng loại các buổi tiếp xúc và làm việc với các giáo sư của đại học Harvard như GS. Peter Sorger, Trưởng Khoa Khoa học điều trị và Giám đốc phòng thí nghiệm dược phẩm trường ĐH Y Harvard; GS. Michael Greenberg – Chủ tịch Hội thần kinh học kiêm Giám đốc Brain Science Initiative trường ĐH Y Harvard. Đặc biệt đoàn đã được nghe giới thiệu và thảo luận với Dr Joseph Allen, Trưởng Khoa Sức khoẻ môi trường của trường YTCC Harvard về các vấn đề liên quan đến SKMT. Một trong những vấn đề được đoàn quan tâm là sáng kiến “Healthy Buildings” đã được Dr Joseph Allen khởi xướng từ năm 2014 với mục tiêu tạo ra môi trường sống xanh sạch và lành mạnh, nâng cao sức khoẻ cho những người sống và làm việc trong các toà nhà cao tầng. Hiện nay sáng kiến này đang được thử nghiệm tại 6 toà nhà của Hoa Kỳ dựa trên 9 yếu tố cơ bản như chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm, bụi, sự an toàn, chất lượng nước, tiếng ồn, ánh sáng và thông gió trong toà nhà. Trong thời gian tới, việc áp dụng các yếu tố cơ bản này sẽ trở thành chính sách áp dụng cho các toà nhà cao tầng của Hoa Kỳ.

Một số hình ảnh làm việc tại trường ĐH Y Harvard


Thăm labo bệnh viện Brighham and Women

Xem thêm ...