Trách nhiệm của người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh
Theo điều 73 Luật An toàn vệ sinh lao động, người làm công tác y tế (hoặc bộ phận y tế) có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe và quản lý sức khỏe của người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo đó, người làm công tác y tế có nhiệm vụ […]
Theo điều 73 Luật An toàn vệ sinh lao động, người làm công tác y tế (hoặc bộ phận y tế) có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe và quản lý sức khỏe của người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo đó, người làm công tác y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện quản lý sức khỏe người lao động với những nội dung chủ yếu: Xây dựng phương án, phương tiện sơ cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cấp cứu cho người lao động tại cơ sở. Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp, đề xuất, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động. Tổ chức khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật. Tuyên truyền, phổ biến thông tin vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định.
Người làm công tác y tế còn có trách nhiệm lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao đông, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có).
Huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động
(ảnh Phạm Xuân Thành)
Để thực hiện được những trách nhiệm này, người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh phải có trình độ chuyên môn về y tế bao gồm bác sĩ, bác sĩ y tế dự phòng, cử nhân điều dưỡng, y sĩ, điều dưỡng trung học, hộ sinh viên và chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động theo như quy định tại khoản 3, Điều 37 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động.
Trong các ngày từ 18 đến 29/9/2017, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tổ chức lớp tập huấn Bệnh nghề nghiệp cho các bác sĩ thuộc các Trung tâm y tế dự phòng, các đơn vị có nhu cầu về tập huấn chương trình Bệnh nghề nghiệp ( Phòng CNTT-TV-TT Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường)
Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, người làm công tác quản lý sức khỏe tại cơ sở làm việc phải là bác sĩ nghề nghiệp (được đào tạo về y tế lao động), nha sĩ chuyên nghiệp và điều dưỡng y tế công công (điều dưỡng bệnh nghề nghiệp). Nhật Bản coi trọng phát triển tổ chức dịch vụ y tế lao động, các khóa đào tạo giám sát viên y tế, việc cấp chứng chỉ và kiểm tra đối với các bác sĩ nghề nghiệp, giám sát viên y tế. Trong đó có sự đóng góp rất lớn từ Trường đại học y tế lao động và môi trường Nhật Bản, Hiệp hội y khoa Nhật Bản, Hiệp hội an toàn và vệ sinh công nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, từ 1993, Hiệp Hội y tế Lao động Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống Ban chứng nhận bác sĩ vệ sinh lao động.
Box: Tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh
1. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 500 người lao động ít nhất phải có 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động ít nhất phải có 01 y sĩ và 01 người làm công tác y tế trình độ trung cấp;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 1.000 người lao động phải có 01 bác sĩ và 1 người làm công tác y tế khác.
(nguồn: Điều 37, Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/ 2016 của Chính phủ)
Bình Nhi
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc Hoạt động “Xây dựng các video clip về hướng dẫn xử trí, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích”) 31/07/2024