Đuối nước – nguy cơ gây tử vong lớn nhất đối với trẻ em
Từ năm 2008, trong báo cáo đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới về thương tích trẻ em, đã đề cập tới tình trạng đuối nước là một trong những nguyên nhân gây thương tích và tử vong lớn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu. Trước đó, theo “Gánh nặng […]
Từ năm 2008, trong báo cáo đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới về thương tích trẻ em, đã đề cập tới tình trạng đuối nước là một trong những nguyên nhân gây thương tích và tử vong lớn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu.
Trước đó, theo “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” của WHO, năm 2004 đã có 388.000 người chết do đuối nước trên toàn thế giới, trong đó 45% dưới tuổi 20. Đuối nước gây tử vong đứng thứ 13 trong tổng số nguyên nhân tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi và nhóm tuổi 1 – 4 có nguy cơ cao nhất. Tỷ lệ chung đuối nước toàn cầu ở trẻ em là 7,2 trên 100.000 dân. Trong đó tỷ lệ đuối nước ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình gấp 6 lần so với các quốc gia có thu nhập cao (với các tỷ lệ theo thứ tự 7,8 trên 100.000 dân và 1,2 trên 100.000 dân).
Đối với trẻ em sống sót sau đuối nước, nhiều em phải chịu hậu quả thương tật lâu dài gây ra nhiều khó khăn cho gia đình, với các chi phí chăm sóc y tế không thể ngăn cản được. Các số liệu toàn cầu chỉ ra rằng, có khoảng 28% trong số tất cả những ca tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em là do đuối nước và 1,1% của tổng số năm sống điều chỉnh theo tàn tật (DALYs) bị mất đi ở trẻ em dưới 15 tuổi tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình là do đuối nước không gây tử vong.
Đến năm 2014, báo cáo “Toàn cầu về đuối nước – phòng, chống nguyên nhân tử vong hàng đầu” là báo cáo chuyên đề đầu tiên của WHO về vấn nạn này. Báo cáo cho thấy đuối nước làm 372.000 người chết mỗi năm và là một trong mười nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em và thanh niên trên thế giới. Ở Việt Nam, theo số liệu ước tính thì đuối nước là yếu tố gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trong lứa tuổi từ 5-14 tuổi. Điều tra Quốc gia cho thấy, tại Việt Nam mỗi ngày có khoảng 20 trẻ em tử vong vì đuối nước.
Báo cáo toàn cầu của WHO là một kêu gọi hành động để tăng cường một cách căn bản các nỗ lực và các nguồn lực nhằm phòng, tránh đuối nước và phác thảo một số hành động mà những nhà hoạch định chính sách quốc gia và các cộng đồng địa phương nên thực hiện, tất cả các hành động này có thể cứu sống nhiều người trẻ tuổi.
Lời kêu gọi này đặc biệt đáng quan tâm tại nước ta. Đánh giá gần đây nhất cho thấy, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 – 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Riêng năm 2015, Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới. Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù có nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao nhưng tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm, số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích là trên 1.600 em, trong đó có gần 1.000 em bị tử vong do đuối nước.
Đáng lo ngại là các số liệu chính xác về đuối nước ở Việt Nam còn hạn chế và số tử vong ước tính còn có thể thấp hơn thực tế. Các số liệu chính thức có thể không ghi chép một cách đầy đủ các trường hợp đuối nước do tử tự, giết người, các thảm họa do lũ lụt, hoặc các vụ tai nạn như lật phà.
Quang Bình
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc Hoạt động “Xây dựng các video clip về hướng dẫn xử trí, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích”) 31/07/2024