Triển khai công tác phổ cập bơi 2018 tại Hà Nội
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước trong dịp nghỉ hè của học sinh, ngày 24/4/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phổ cập bơi năm 2018.Theo đó, thành phố sẽ có 232 bể bơi […]
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước trong dịp nghỉ hè của học sinh, ngày 24/4/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phổ cập bơi năm 2018.Theo đó, thành phố sẽ có 232 bể bơi để phục vụ gần 110.000 học sinh tham gia Chương trình phổ cập trong mùa hè.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với UBND các địa phương đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây dựng bể bơi mini hoặc lắp đặt bể bơi thông minh. Bên cạnh đó, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả.
Năm 2017, toàn thành phố có 26 bể bơi mini, 107 bể bơi thông minh được xây dựng và lắp đặt trong nhà trường và 94 bể bơi đóng trên địa bàn được phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp dạy bơi cho học sinh. Kết quả thành phố đã tổ chức dạy bơi cho hơn 100.000 học sinh với tỷ lệ biết bơi đạt hơn 90%.
Nhiều đơn vị làm tốt công tác phổ cập bơi cho học sinh như các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì…Một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa tuy không có bể bơi trong trường học do diện tích của các trường còn hạn chế, nhưng các đơn vị đã chủ động tìm giải pháp nhằm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh bằng cách phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn để dạy bơi cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, để việc phổ cập bơi cho học sinh đạt hiệu quả cao, các đơn vị đã làm tốt cần tiếp tục phát huy, đơn vị nào còn “chậm chạp” Phòng Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu với UBND quận, huyện tại địa phương lập đề án; trong đó, chú trọng quan tâm đến công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức từ cán bộ quản lý đến giáo viên, phụ huynh để hiểu được tầm quan trọng của phổ cập bơi. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng, địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, giảm mức đóng góp của phụ huynh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến tháng 10/2017, thành phố có 728 trường tiểu học, 617 trường THCS với tổng số hơn 1,1 triệu học sinh. Trong số này có nhiều học sinh chưa biết bơi và cần được phổ cập trong thời gian tới.
Hà Nội có diện tích rộng, nhiều sông, ao, hồ và các công trình đang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Để hạn chế những nguy cơ này, từ năm 2016 Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai công tác giáo dục tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Đồng thời, đề nghị các các quận, huyện triển khai mô hình “Bể bơi thông minh” lắp đặt tại nhà trường để dạy bơi cho học sinh tiểu học. Sở còn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho các giáo viên cốt cán, có chuyên môn bơi và kinh nghiệm giảng dạy bơi cho học sinh được tập huấn theo Chương trình dạy bơi an toàn và phương pháp cứu đuối của các quận, huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh,… Tuy nhiên, cá biệt có đơn vị hiện nay chưa có bể bơi nào được xây dựng hay lắp đặt trong trường công lập như các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín…
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu với UBND quận, huyện đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc “Bể bơi thông minh” để dạy bơi cho học sinh trong dịp hè; tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh; rà soát số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi đạt hiệu quả cao.
Box: Từ 15/5 đến 30/8/2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai kế hoạch mở lớp phổ cập bơi năm 2018 cho trẻ em trên toàn thành phố. Đồng thời tiến hành tuyên truyền về phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thôn tin cơ sở và truyền thông trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng. Sở cũng xây dựng, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng chống đuối nước tìm ra các nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra đuối nước ở các địa phương; kiến thức, thái độ và hành vi của người dân về vấn đề đuối nước để đưa ra các giải pháp phòng chống đuối nước phù hợp; rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn… tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước để hạn chế khả năng xảy ra đuối nước trẻ em.
Duy Kiên (tổng hợp)
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc Hoạt động “Xây dựng các video clip về hướng dẫn xử trí, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích”) 31/07/2024