Các địa phương hưởng ứng phong trào phòng chống đuối nước trẻ em
Nhận thức rõ tình trạng đuối nước gây tử vong là mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày đối với trẻ em, từ nhiều năm nay các địa phương trên cả nước đều triển khai có trách nhiệm Chương trình phòng chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt, đối với Chương trình phòng, chống tai […]
Nhận thức rõ tình trạng đuối nước gây tử vong là mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày đối với trẻ em, từ nhiều năm nay các địa phương trên cả nước đều triển khai có trách nhiệm Chương trình phòng chống đuối nước trẻ em.
Đặc biệt, đối với Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) các địa phương đều xây dựng chương trình và triển khai các hoạt động cho cả giai đoạn và hàng năm, nhằm hướng tới các mục tiêu: Phấn đấu xây dựng 5.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 10.000 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; 300 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Ngày 13/12/2017, tại Hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức ở thành phố Huế, Báo cáo của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội cho biết, cả nước đã tạo được sự phối hợp liên ngành chặt chẽ trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em triển khai tích cực trên toàn quốc đã tác động tích cực đến sự quan tâm nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống tai nạn thương tích giảm tử vong cho trẻ em.
Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được các cơ quan Trung ương ban hành, yêu cầu các địa phương thường xuyên thực hiện, cũng như khi có các vấn đề đột xuất xảy ra trong năm như phòng ngừa đuối nước khi học sinh nghỉ hè, khi mùa mưa, bão lũ.
Các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định và quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để triển khai hoạt động. Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đã có chiều hướng giảm.
Việc xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng tiếp tục được các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai; việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ được triển khai tại nhiều địa phương với sự than gia của cộng đồng và các tổ chức quốc tế; tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát liên ngành về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, kịp thời động viên thăm hỏi, hỗ trợ trẻ và gia đình khi có tai nạn xảy ra.
Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, năm 2017 có 42 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyến quận, huyện triển khai kế hoạch.
Ngày 17/7/2017, Lãnh đạo Bộ Y tế đã ký Công văn 4029/BYT-MT chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Sau khi Công văn ban hành, 28 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo tuyến dưới tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại cộng đồng. Đặc biệt, đối với Chương trình bơi an toàn, đến giữa tháng 8/2018, 54 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành kế hoạch, đề án triển khai chương trình này. Trên thực tế, Chương trình đã khuyến khích các địa phương xây dựng 2.000 hồ bơi, bể bơi, lồng bơi đơn giản tại các khu vực nông thôn mới. Hơn 10 nghìn học viên đã được tập huấn, làm nòng cốt triển khai mô hình bơi an toàn ở địa phương
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mở hơn 40 hồ bơi nhân tạo để hướng dẫn các em trong dịp hè
Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai kế hoạch về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Đến nay, toàn tỉnh có 541 trường tiểu học (đạt tỉ lệ 100%) triển khai thực hiện Chương trình “Trường học an toàn” và giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các trường học thường xuyên giáo dục, nhắc nhở học sinh ý thức phòng tránh và ngăn ngừa các trò chơi nguy hiểm, khuyến cáo các em không tắm, chơi đùa gần ao, hồ, kênh, mương và những nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích và đuối nước.
Huyện Anh Sơn phối hợp với Phòng Công Thương khảo sát, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho 13 bến đò ngang, cấp đầy đủ áo phao cho học sinh đi học qua đò; huyện Hưng Nguyên cấp phát áo phao đầy đủ cho học sinh sống trong vùng sông nước.
Thông qua các hoạt động như sinh hoạt tập thể đầu tuần, sinh hoạt cuối tuần, các câu lạc bộ, chuyện kể…, đến nay đã có 100 % học sinh được giáo dục an toàn phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Năm 2017, có 13.952/261.380 (5,3%) học sinh tiểu học được học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Toàn tỉnh có 32 trường đã triển khai dạy bơi cho học sinh. Một số trường thuộc địa bàn TP Vinh, Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã tuyên truyền, vận động phụ huynh đăng ký cho con em học bơi tại các trung tâm…
Tập bơi – giải pháp hiệu quả chống đuối nước ở trẻ em
Tăng cường kiến thức bơi và hướng dẫn các kĩ năng khi bị đuối nước là biện pháp tốt nhất để phòng chống những trường hợp tử vong vì chết đuối
Thanh Thanh
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Giảm 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi rửa tay thường xuyên 17/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024