Tổ công tác số 4 của Bộ Y tế hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa, lũ tại Thừa Thiên Huế



Chiều 02/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến làm việc với ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả sau mưa […]

Chiều 02/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến làm việc với ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả sau mưa lũ: xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh.

Ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế và Tổ công tác số 4 của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên Huế

Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Dinh dưỡng quốc gia cùng các chuyên gia của Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Y tế Dự phòng, Cục An toàn thực phẩm. Đây là tổ công tác số 4 trong 7 đoàn công tác của Bộ Y tế cử về hỗ trợ các tỉnh Miền Trung  khắc phục hậu quả mưa lũ và phòng chống dịch bệnh.

Ngay chiều ngày 02/11, Đoàn đã có buổi làm việc với đại diện Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục An toàn thực phẩm để nắm bắt tình hình vệ sinh môi trường, dịch bệnh; kế hoạch, công tác triển khai xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, tư vấn dinh dưỡng sau mưa, lũ trên địa bàn Tỉnh và khả năng đáp ứng tại địa phương.

Tình hình thiệt hại do lũ, lụt tại Tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Dương Chí Nam,  Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, đoàn công tác có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực của y tế địa phương, đồng thời hỗ trợ cán bộ y tế  địa phương cũng như người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; phòng chống những dịch bệnh phổ biến; tư vấn dinh dưỡng sau lũ…

Đoàn đã ghi nhận tình hình mưa lũ trên diện rộng tại địa bàn tỉnh đã gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương của Thừa Thiên Huế. Thống kê nhanh cho thấy mưa, lũ đã gây nhiều thiệt hại về con người, về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tại 8/9 huyện của tỉnh. Tuy nhiên, đến chiều ngày 02/11/2020 nước đã cơ bản đã rút tại các vùng bị ngập.

Ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lũ trên diện rộng tại địa bàn tỉnh đã gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương của Thừa Thiên Huế.  Số thôn bị ngập là 580 (chiếm 51,6%), với số hộ gia đình bị ngập lụt là 85.704 hộ chiếm 31,4%, nhiều trạm y tế, trường học, chợ cũng như hố xí, giếng nước của các hộ dân bị ngập, nước đã rút để lại nhiều bùn đất, rác thải, xác súc vật chết… Lực lượng chức năng đã được huy động vào để thu dọn.

Về tình hình dịch bệnh trong đợt mưa lũ vừa qua theo ông Hoàng Hữu Nam chưa có đột biến, tỷ lệ mắc các bệnh lý tiêu chảy, đường ruột, sốt xuất huyết không thay đổi so với trước khi bão lụt, tuy nhiên, có sự gia tăng của bệnh Tay – Chân – Miệng. Ngành Y tế đã xử lý các ổ dịch theo quy định.

Sau lũ lụt vấn đề vệ sinh môi trường đảm bảo nước sạch cũng là một trong những vấn đề rất cần được quan tâm nên Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với chính quyền, người dân tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường với phương châm “nước rút đến đâu làm sạch đến đó, xử lý tồn nguồn phân, chất thải, xác súc vật chết. Mặc dù vậy, môi trường sau ngập lụt đang bị ô nhiễm nặng, tổng lượng chất thải ra môi trường từ cống rãnh, nhà tiêu, xác chế động vật còn trôi nổi còn chưa được xử lý kịp thời. Sở Y tế cũng chỉ đạo triển khai công tác giám sát, tuyên truyền trực tiếp an toàn thực phẩm đến mỗi hộ dân để đảm bảo thực hiện “Ăn chín, uống chín” để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa.

Ngành y tế đã đảm bảo cơ số thuốc phòng, chống lụt bão cũng như vật tư, hoá chất xử lý môi trường, tuy nhiên còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Đoàn công tác đã hướng dẫn Sở Y tế việc đề xuất đề xuất để được cung cấp hỗ trợ một số hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung ăn liền…

Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương và người dân xử lý môi trường sau mưa, lũ

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đánh giá cao kết quả cũng như tính chủ động trong công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ, phòng chống dịch của Thừa Thiên Huế. Các thành viên của đoàn công tác cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng cũng như các phương án dự phòng về diễn biến dịch bệnh, vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo chế độ dinh dưỡng sau lũ để ngành y tế Thừa Thiên Huế hoàn thiện và làm tốt hơn nữa công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt.

Đoàn Công tác đã hỗ trợ ngành y tế Tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp tổ chức việc triển khai công tác tổng vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn, khám tư vấn dinh dưỡng cho các hộ dân tại xã tại Thôn Tân Xuân Lai, Xã Quảng Thọ, Huyện Quảng Điền – Một trong những huyện trũng nhất của tỉnh.

Trực tiếp hướng dẫn và cùng người dân tổng vệ sinh môi trường tại Chợ Quảng Thọ

Khám tư vấn dinh dưỡng tại Trạm y tế
xã Quảng Thọ

Lật úp lọ hoa phòng ngừa sốt xuất huyết

tại hộ dân Thôn Tân Xuân Lai

Để làm tốt hơn nữa công tác khắc phục, phòng ngừa không để xảy bùng phát dịch bệnh sau mưa, lũ trong thời gian tới, Đoàn công tác đã đề nghị Ngành Y tế Tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường công tác ngoại kiểm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, với 8% số vùng chưa được cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo công tác rà soát, nếu có nguy cơ xảy ra ngập lụt thì phải có phương án đảm bảo cung cấp cloramin B cho người dân. Sở Y tế tổng kết, nhân rộng mô hình phát động tổng vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng Đoàn công tác đã tổ chức triển khai tại Thôn Tân Xuân Lai để Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai phát động tổng vệ sinh môi trường lồng ghép trong Chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” hàng tuần để phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt tại địa phương.

 

 

Xem thêm ...