Từ dòng nước ngọt Cù Lao Minh đến cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp vì sức khỏe cộng đồng



Để đạt cả 32 tiêu chí, bao gồm 2 tiêu chí Xanh, 24 tiêu chí Sach và 6 tiêu chí Đẹp với tổng số 80,3 điểm/100 điểm, là cả một quá trình phấn đấu rất lâu dài của một bệnh viện cấp khu vực thuộc tỉnh Bến Tre. Một yếu tố rất quan trọng để […]

Để đạt cả 32 tiêu chí, bao gồm 2 tiêu chí Xanh, 24 tiêu chí Sach và 6 tiêu chí Đẹp với tổng số 80,3 điểm/100 điểm, là cả một quá trình phấn đấu rất lâu dài của một bệnh viện cấp khu vực thuộc tỉnh Bến Tre. Một yếu tố rất quan trọng để làm nên thành công này, đó là hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt.

Biến nước mặn thành nước ngọt

Với khuôn viên rộng gần 4ha, thành lập từ năm 1999, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh có 17 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và 6 phòng chức năng. Bệnh viện hiện là một cơ sở y tế quan trọng trong khu vực Cù lao Minh (BV hạng 2), chăm sóc sức khỏe cho người dân thuộc huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1200 lượt khám, với phần lớn là khám theo bảo hiểm y tế (chiếm 96-97%) và khoảng 350 bệnh nhân được điều trị nội trú hàng ngày.

Trong giai đoạn năm 2016, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài gây ra nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Giữa năm 2021, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh tham gia khảo sát thực trạng WASH tại cơ sở y tế. Dựa theo tình hình xâm nhập mặn sâu và kéo dài vào năm 2016 và kịch bản biến đổi khí hậu, Bệnh viện dự đoán khả năng thiếu nước ngọt phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh trong mùa khô sẽ ngày càng trầm trọng.

Tháng 10/2021, hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt với công suất 1.000 lít/giờ được công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh lắp đặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh theo thoả thuận hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngày 26/10/2021, Công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh đã bàn giao thiết bị và hướng dẫn vận hành, bảo trì thiết bị cho Trưởng phòng Hành chính quản trị và nhân viên được phân công vận hành thiết bị điện nước của Bệnh viện.

Tháng 12/2021, Giám đốc Bệnh viện phân công 01 lãnh đạo Bệnh viện, 01 lãnh đạo phòng Hành chính quản trị và 01 cán bộ môi trường tham gia tập huấn “Mô hình nước sạch, vệ sinh môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu trong cơ sở y tế” do Cục quản lý Môi trường Y tế tổ chức tại thành phố Bến Tre.

Cuối tháng 12/2021, Bệnh viện xây dựng kế hoạch quản lý vận hành hệ thống lọc nước mặn. Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ vận hành hệ thống 0,5 giờ/ngày trong mùa mưa và 12 giờ/ngày trong mùa khô để cung cấp nước sạch, ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh và các hoạt động chuyên môn y tế: phòng Mổ, phòng Sanh, phòng khám Ngoại, phòng khám Sản, phòng khám Răng Hàm Mặt, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc (CCHSTC&CĐ), chạy máy xét nghiệm, nồi hấp tiệt khuẩn, tráng rửa dụng cụ…

Trong năm 2022, do tình hình thời tiết mưa kéo dài (kể cả trong những tháng mùa khô) và hệ thống ngăn mặn hoạt động hiệu quả nên tình hình xâm nhập mặn không đáng kể, Bệnh viện chủ động được nguồn nước ngọt cung cấp đầy đủ cho các khoa sử dụng nên hệ thống lọc nước mặn được vận hành khoảng 01 giờ/tuần để cung cấp nước cho khoa Dinh dưỡng – tiết chế, phục vụ ngâm đồ vải chuyên môn và phục vụ cho máy hấp tiệt khuẩn dụng cụ y tế ở khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Tổng lượng nước thực tế đã được xử lý qua hệ thống lọc mặn là: 60 m3.

Năm 2023, được Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện cải thiện mô hình thí điểm nước sạch vệ sinh môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, Bệnh viện đã có nhiều cải thiện trong vấn đề sử dụng và giám sát nguồn nước sạch sử dụng trong chuyên môn cũng như trong sinh hoạt.

Tháng 11/2023, Bệnh viện đã thực hiện lắp đặt đường ống cấp nước từ hệ thống RO lọc mặn của WHO tài trợ đến bồn nước cấp cho phòng mổ, phòng sanh khoa Sản và các chuyên khoa như Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Chẩn đoán hình ảnh và khu vực hành chính sử dụng, thay mới bồn nước 3.000 lít.

Từ đó đến nay, hệ thống RO hoạt động ổn định theo chế độ tự động, bình quân hoạt động từ 1 – 2 giờ/ngày đáp ứng nguồn nước ngọt, vô khuẩn phục vụ cho các khoa có yêu cầu cao về nguồn nước cấp. Kết quả xét nghiệm nguồn nước (lấy phòng nội soi khoa CĐHA trong 6 tháng đầu năm 2024) đạt các chỉ tiêu vi sinh theo QCVN 06-1:2010/BYT.

Từ dòng nước ngọt Cù Lao Minh đến cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp vì sức khỏe cộng đồng
Từ dòng nước ngọt Cù Lao Minh đến cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp vì sức khỏe cộng đồng
Từ dòng nước ngọt Cù Lao Minh đến cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp vì sức khỏe cộng đồng

Xây dựng bệnh viện Xanh Sạch Đẹp vì sức khỏe cộng đồng

Ông Ngô Văn Tuôi, Phó Giám đốc Bệnh viện cho chúng tôi biết: Lãnh đạo bệnh viện luôn đặt mục tiêu tạo dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn để phục vụ người bệnh tốt hơn. Cụ thể:

Về Xanh: Tăng cường mảng xanh thông qua việc trồng cây, thảm cỏ trong khuôn viên bệnh viện, dọc hành lang và các phòng làm việc. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn tạo cảm giác thư thái cho bệnh nhân và nhân viên.

Về Sạch: Đặc biệt chú trọng đến vệ sinh, nhất là hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Các biện pháp được triển khai nhằm đảm bảo sạch sẽ, thuận tiện và đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Để có thể làm tốt tiêu chí Xanh và Sạch thì không thể không kể đến vai trò của nước. Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viện đã được trang bị hệ thống lọc nước mặn, giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước sử dụng đảm bảo cho các tiêu chí Xanh, Sạch trong bệnh viện. Nguồn nước này đã được ứng dụng hiệu quả vào các hoạt động quan trọng như: Chăm sóc trẻ sơ sinh và vệ sinh trong các khoa quan trọng như phòng mổ, khoa dinh dưỡng; Rửa và hấp sấy dụng cụ y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối; Nấu ăn cho bệnh nhân với nước sạch, không chứa muối mặn.

Hệ thống lọc nước mặn không chỉ giảm thiểu chi phí vận hành, mà còn giảm sự lãng phí nước khi áp dụng chế độ tự động hóa, chỉ sử dụng khi cần thiết. Mặc dù chưa có thống kê chi tiết về chi phí điện, việc tiết kiệm nước và xử lý nước thải đã được bệnh viện vận hành ổn định trong suốt 3 năm qua.

Ngoài ra, để đảm bảo tiêu chí Sạch, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh cũng đã thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn. Hằng năm, các đoàn kiểm tra đánh giá cao nỗ lực này của Bệnh viện, đặc biệt là có sự hướng dẫn của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế). Việc phân loại và xử lý rác thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng.

Ông Ngô Văn Tuôi cũng cho chúng tôi biết thêm: Bệnh viện đa khoa khu vực Cù lao Minh (địa chỉ tại QL57, ấp Tân Lộc, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) vẫn đang nỗ lực nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt khó khăn về nguồn nước ngọt cơ bản được giải quyết. Nhưng vấn đề tiêu thụ điện và nước của Bệnh viện ngày càng tăng do số giường bệnh tăng lên và chưa có chiến lược truyền thông hiệu quả, ý thức của người bệnh và người nhà chưa được nâng cao. Do đó, Bệnh viện đề xuất được hỗ trợ thêm sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phục vụ khám, chữa bệnh và chương trình truyền thông thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững với môi trường.

Hi vọng rằng, với sự hỗ trợ tiếp theo, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh tiếp tục giữ vững danh hiệu cơ sở y tế Xanh-Sạch-Đẹp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

theo suckhoemoitruong.com.vn

Xem thêm ...