An toàn vệ sinh lao động trong tiếp xúc với amiăng



Amiăng được biết đến từ nhiều thế kỷ nay và đang được sử dụng trong hàng nghìn loại sản phẩm thương mại, công nghiệp và gia dụng ở các nước trên thế giới. Aminăng được sử dụng làm vật liệu xây dựng, ống dẫn nhiệt, bao bọc nồi hơi, cách nhiệt và cách âm, tấm lợp... nhờ có tính bền, cách nhiệt, cách âm và chống ma sát cao.

 Amiăng được biết đến từ nhiều thế kỷ nay và đang được sử dụng trong hàng nghìn loại sản phẩm thương mại, công nghiệp và gia dụng ở các nước trên thế giới. Aminăng được sử dụng làm vật liệu xây dựng, ống dẫn nhiệt, bao bọc nồi hơi, cách nhiệt và cách âm, tấm lợp… nhờ có tính bền, cách nhiệt, cách âm và chống ma sát cao.

Tiếp xúc với amiăng lâu dài có thể gây xơ hoá phổi; mảng, dày, canxi hóa màng phổi; ung thư phổi, màng phổi. Đặc biệt, ung thư trung biểu mô (mesothelioma) có liên quan rất chặt chẽ với tiếp xúc amiăng. Nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian làm việc càng dài thì tỉ lệ bệnh càng lớn. Tỉ lệ ung thư phổi, ung thư trung biểu mô cao ở nhóm người tiếp xúc với amiăng trên 30 năm. Do ảnh hưởng nghiêm trọng của amiăng lên sức khoẻ người lao động, năm 1986 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phê chuẩn Công ước số 162 và Khuyến nghị số 172 về sử dụng an toàn amiăng. Đến năm 2002, trên thế giới đã có 13 nước cấm sử dụng amiăng, 4 nước đang chuẩn bị cấm và 26 nước ký thông qua Công ước số 162 của ILO. Khi sử dụng amiăng làm vật liệu (xây dựng) cũng như trong quá trình khai thác, có thể gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khoẻ của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống trong những công trình đó, thậm chí ô nhiễm môi trường sinh hoạt gây tác động rộng trong cộng đồng dân cư.

Việt Nam có 17 địa điểm có mỏ khoáng amiăng (chủ yếu là serpentine), nhưng do trữ lượng thấp nên công nghiệp khai thác và sản xuất amiăng không phát triển. Phần lớn quặng amiăng khai thác được sử dụng trong sản xuất phân bón NPK. Amiăng sử dụng trong các ngành công nghiệp chủ yếu là Chrysotile được nhập khẩu. Trong những năm 1990, nước ta nhập khẩu Chrysotile khoảng 15.000-40.000 tấn/năm. Từ năm 2000, lượng amiăng nhập khẩu đã tăng lên với số lượng trên 60.000 tấn/năm. 95% lượng Chrysotile nhập khẩu được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó chủ yếu dùng để sản xuất tấm lợp amiăng-ximăng (hay còn gọi là tấm lợp fibro–ximăng). Bụi Amiăng là một loại bụi vô cơ gây hại cho người lao động tiếp xúc trong quá trình sản xuất và là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Amiăng có thể gây nên một số bệnh như xơ hoá phổi, dầy màng phổi, mảng màng phổi, can xi hóa màng phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô là những nguyên nhân gây suy giảm khả năng lao động và có thể dẫn đến tử vong. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác hại của bụi amiăng đến sức khỏe, người sử dụng lao động, người lao động cần phải có các biện pháp an toàn vệ sinh lao động trong việc phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng.

Trước hết, trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải kiểm soát, ngăn ngừa sự phát tán bụi amiăng trong môi trường lao động. Cần đảm bảo thiết kế, trang bị và duy trì nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc và chỗ làm việc sao cho môi trường làm việc càng ít bụi càng tốt, người lao động phải tiếp xúc với bụi càng ít càng tốt và tối thiểu cũng phải nằm trong giới hạn cho phép. Phải thông báo với cấp trên trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan về các công đoạn và vị trí làm việc có amiăng. Xây dựng và triển khai một chương trình kiểm soát tổng thể nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc của người lao động với amiăng. Định kỳ tổ chức khảo sát điều kiện lao động và môi trường lao động để đảm bảo rằng người lao động được làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể. Tổ chức khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và tổ chức các lớp tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống tác hại của amiăng.

Thứ hai, trách nhiệm của người lao động là phải tuân thủ tất cả các chỉ dẫn có liên quan đến phòng ngừa bụi amiăng. Luôn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc và sử dụng đúng cách có hiệu quả. Khi phát hiện hiện tượng thay đổi nồng độ bụi tại khu vực làm việc, phải báo cáo ngay cho cán bộ quản lý. Phải tham gia đầy đủ khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và các lớp tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống tác hại của amiăng.

Thứ ba, giám sát sức khỏe cho người lao động tiếp xúc với amiăng phải tuân thủ theo những quy định chung tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp; Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe; Thông tư số 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp; Thông tư số 09/2000/TT – BYT ngày 28/4/2000 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư liên bộ số 08/TT-LB ngày 20/4/1998 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các quy định về bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người lao động được khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp;

Thứ tư, chất thải chứa amiăng là loại chất thải nguy hại, do vậy việc quản lý chất thải chứa amiăng phải tuân theo Quy chế quản lý chất thải nguy hại ban hành theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.

Thứ năm, nơi làm việc toàn bộ khu vực làm việc phải giữ luôn sạch sẽ, không có chất thải amiăng; bề mặt và các khe kẽ của máy móc, thiết bị, nền nhà cũng như toàn bộ bề mặt nhà xưởng không để tích tụ bụi amiăng; chỉ dùng máy hút bụi hoặc khăn lau ướt để vệ sinh máy móc, thiết bị, nhà xưởng; trong trường hợp không thể thực hiện phương pháp làm vệ sinh không gây bụi thì người làm vệ sinh phải mặc quần áo bảo hộ và sử dụng phương tiện bảo vệ đường hô hấp. Trong trường hợp này nên tiến hành làm vệ sinh nhà xưởng khi không có người làm việc. Nếu có mặt người lao động khác đang làm việc thì những người này cũng phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân.

Thứ sáu, người lao động không được rũ bụi hay dùng thiết bị bơm phun khí để làm sạch bụi trên trang phục bảo hộ lao động. Để làm sạch bụi trên quần áo nên dùng máy hút bụi có bộ lọc HEPA hoặc lau chùi ướt. Cần để các trang phục bảo hộ lao động đã nhiễm bụi vào các túi, hòm làm bằng chất liệu không thấm nước và buộc, đậy kín. Không được mang quần áo lao động, các trang phục bảo hộ lao động về nhà. Không được ăn uống kể cả nhai kẹo cao su, không hút thuốc lá, thuốc lào tại nơi làm việc và cần tắm, rửa sạch sẽ trước khi về nhà.

ThS. Phạm Xuân Thành

Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...