Các ý kiến trả lời doanh nghiệp về công tác vệ sinh lao động chăm sóc sức khỏe người lao động



Doanh nghiệp hỏi: Thực trạng quan trắc môi trường lao động nhiều nơi còn hình thức: Không đo đủ điểm đo, mẫu đo, không đo tại vị trí NLĐ làm việc hay tại vị trí, địa điểm phát sinh ra nguồn gây hại tới sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Chất […]

  1. Doanh nghiệp hỏi: Thực trạng quan trắc môi trường lao động nhiều nơi còn hình thức: Không đo đủ điểm đo, mẫu đo, không đo tại vị trí NLĐ làm việc hay tại vị trí, địa điểm phát sinh ra nguồn gây hại tới sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Chất lượng quan trắc MTLĐ chưa đảm bảo, do đó kết quả đo kiểm chưa phản ánh đầy đủ sự tác động của môi trường, điều kiện lao động ảnh hưởng đối với sức khỏe người lao động.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Việc quan trắc MTLĐ đã được quy định đầy đủ và chi tiết tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP; Trong đó quy định về các yếu tố cần quan trắc, vị trí quan trắc,… (Điều 35); Quy định về đơn vị đủ điều kiện quan trắc MTLĐ được quy định tại Điều 33; và thủ tục công bố đủ điều kiện quan trắc MTLĐ được quy định tại Điều 34 của Nghị định. Hiện nay đã có danh sách 100 đơn vị đã công bố đủ điều kiện quan trắc MTLĐ và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

– Tuy nhiên thực tế triển khai tại cơ sở lao động gặp phải một số vấn đề sau:

+ Nhận thức của người sử dụng lao động về yếu tố có hại trong MTLĐ còn hạn chế hoặc chưa được đề xuất đầy đủ trong Hồ sơ VSMTLĐ của cơ sở lao động. Chưa có sự phối hợp tốt giữa người sử dụng lao động và cơ sở QTMTLĐ trong xây dựng kế hoạch QTMTLĐ chi tiết. Do vậy không thực hiện được quan trắc đầy đủ các yếu tố có hại có trong MTLĐ cũng như những vị trí lao động có yếu tố có hại mà NLĐ làm việc.

+ Người sử dụng lao động muốn tiết giảm chi phí của doanh nghiệp thông qua việc giảm số lượng chỉ số và số lượng mẫu quan trắc tại cơ sở lao động.

+ Quy định xử phạt về nội dung này chưa được sửa đổi bổ sung kịp theo các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn.

– Giải pháp:

+ Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thông cho người sử dụng lao động về các quy định hướng dẫn liên quan đến quan trắc môi trường lao động;

+ Tăng cường chất lượng quan trắc MTLĐ của các đơn vị thực hiện, đảm bảo các đơn vị quan trắc MTLĐ thực hiện đúng và đủ các yếu tố trong MTLĐ đã được công bố;

+ Chức năng thanh tra an toàn vệ sinh lao động cơ sở lao động là của Bộ LĐTBXH. Do vậy (i) cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế; (ii) Sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2013/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm, tăng cường xử phạt và chế tài đủ mạnh có tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm.

+ Đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để chủ động quan trắc MTLĐ tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao hoặc có nghi ngờ về kết quả QTMTLĐ.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn của NLĐ tại nơi làm việc quy định tại Bảng 1 của Thông tư số 24/2016/TT-BYT có sự thay đổi quy định về hệ số biến đổi dBA so với QĐ 3733/2002/QĐ-BYT (từ 5 xuống 3dBA). Doanh nghiệp đề nghị: (i) Giữ nguyên hệ số biến đổi tương tự quy định tại QĐ 3733/2002/QĐ-BYT; (ii) Xem xét tính toán lại thời gian tiếp xúc tối thiểu dựa trên các yếu tố khác như: loại tiếng ồn, thiết bị chống ồn, các yếu tố MTLĐ khác như cường độ làm việc, không gian làm việc.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Việt Nam đang trong quá trình cơ giới hóa và cơ khí hóa sản xuất, người lao động ngày càng phải tiếp xúc với nhiều nguồn ồn trong môi trường làm việc. Tiếng ồn cao sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động, đặc biệt là tác hại đến thính giác dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Hiện nay, bệnh điếc nghề nghiệp đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mắc trong danh sách 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Đảm bảo môi trường có độ ồn được kiểm soát sẽ phòng ngừa căng thẳng và mệt mỏi thính giác, bảo vệ thính lực, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động.

– QCVN 24: 2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc, được ban hành theo Thông tư số 24/2016/TT – BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và được xây dựng trên căn cứ thực tiễn yêu cầu quản lý, bảo vệ sức khỏe người lao động và hội nhập quốc tế.

+ QCVN 24: 2016/BYT quy định thời gian tiếp xúc với tiếng ồn giảm 1/2, mức ồn cho phép tăng thêm 3dB, còn trong Quyết định số 3733/2002/QĐ – BYT nếu tiếng ồn giảm 1/2, mức ồn cho phép tăng thêm 5dB. Quy định mới này nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong giai đoạn mới và tương tự quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập quốc tế.

+ Tham chiếu giới hạn tiếp xúc cho phép (Permissible exposure limits PEL), hệ số biến đổi, và các yêu cầu khác về tiếp xúc với tiếng ồn hiện hành ở 25 quốc gia trên thế giới (gồm các quốc gia ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á) cho thấy: (i) 19 quốc gia quy định mức ồn ở ngưỡng dưới 85 dBA; (ii) 22 quốc gia quy định hệ số biến đổi dBA ở mức 3 dBA. Như vậy quy định của Việt Nam là phù hợp với quy định của các nước trong khu vực cũng như các quốc gia trên thế giới về giới hạn tiếp xúc tiếng ồn.

– Đối với việc “Xem xét tính toán lại thời gian tiếp xúc tối thiểu dựa trên các yếu tố khác như: loại tiếng ồn, thiết bị chống ồn, các yếu tố MTLĐ khác như cường độ làm việc, không gian làm việc” đã được rà soát trong quy trình xây dựng QCVN 24 và sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh cùng với sự thay đổi của quy trình công nghệ.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Các nhà máy bán tự động, công việc người lao động không đòi hỏi thao tác chính xác bằng tay mà điều khiển qua màn hình LCD nên quy định độ sáng là 300 Lux là quá cao.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Ánh sáng là một trong những yếu tố không thể thiếu của điều kiện lao động. Ở mọi vị trí làm việc từ lao động trí óc đến lao động chân tay, từ những công việc thô sơ đến tinh xảo đều cần điều kiện chiếu sáng thích hợp. Yêu cầu chiếu sáng tùy thuộc vào từng công việc. Chiếu sáng thích hợp sẽ phòng tránh căng thẳng mệt mỏi thị giác, bảo vệ thị lực, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp góp phần tăng năng suất lao động.

– QCVN về vệ sinh lao động được xây dựng nhằm bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người lao động đồng thời có tính khả thi áp dụng trong thực tiễn sản xuất cũng như tính hội nhập quốc tế:

+ Đối với những công việc đòi hỏi mức độ tập trung thị lực cao: Kiểm tra, thử nghiệm, gia công chính xác yêu cầu đòi hỏi chiếu sáng từ 500-1000 lux.

+ Đối với công việc sản xuất, vận hành, gia công, lắp ráp các chi tiết trung bình, các phòng hội họp, phòng học, đọc sách, làm việc với máy tính…  yêu cầu đòi hỏi chiếu sáng từ 300-500 lux.

– Như vậy công việc như doanh nghiệp đề cập tương đương với yêu cầu làm việc với màn hình, máy tính thì quy định mức 300 lux là phù hợp.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Quy định về nhiệt độ chênh giữa trong xưởng và ngoài trời không quá 5oC là không phù hợp

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

Khi con người thay đổi môi trường (về nhiệt độ) chênh lệch đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt người lao động có thai hoặc có bệnh tật mạn tính như tim mạch, huyết áp,…

QCVN26/2016/BYT quy định nhiệt độ chênh lệch trong nơi sản xuất và ngoài trời không vượt quá 5oC. Quy định này được hiểu như sau: Khi người lao động làm việc trong không gian lao động trong nhà xưởng khi di chuyển ra không gian bên ngoài (ngoài trời) cần kiểm soát để tránh tiếp xúc ngay với nhiệt độ chênh lệch quá 5oC. Biện pháp kiểm soát có thể là bố trí 01 phòng đệm, người lao động đi qua phòng đệm này khi vào và ra để tránh các ảnh hưởng đối với sức khỏe do chênh lệch nhiệt độ gây ra.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Có sự nhầm lẫn giữa quy định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện và việc quan trắc MTLĐ do ngành y tế thực hiện. Doanh nghiệp đề nghị Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách thống nhất quy định cụ thể việc đánh giá tác động môi trường và quan trắc môi trường lao động (vì có một số chỉ số trùng nhau).

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Sự khác nhau của Đánh giá tác động môi trường và Quan trắc môi trường lao động:

+ Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (tiếng Anh là EIA) là việc phân tích, dự báo các tác động của dự án đầu tư đến môi trường để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án (Theo khoản 23, điều 3 giải thích từ ngữ, Chương I Quy định chung, Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13). Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường của mình từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các Tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hơn nữa kết quả giám sát chất lượng môi trường sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của CSLĐ. Tuy nhiên kết quả này có thể tham khảo kết quả quan trắc môi trường lao động khi đánh giá tác động đối với sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất.

Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015. Cơ sở để so sánh là giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép và đo tại vị trí có người lao động làm việc.

Vì vậy không có sự nhầm lẫn giữa việc đánh giá tác động môi trường và việc quan trắc môi trường lao động.

– Theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Nghị định này;

– Còn việc thực hiện qua trắc môi trường lao động do cơ sở lao động lên kế hoạch và mời tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động, nội dung này được quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Thông tư 19/2016/TT-BYT.

Do vậy rõ ràng không chồng chéo về quản lý nhà nước đối với nội dung này. Tuy nhiên để hạn chế những vấn đề bất cập có thể nảy sinh, đề xuất cần có đại diện của ngành y tế trong nhóm thực hiện và thẩm định kết quả đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở lao động sản xuất.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Không biết kết quả quan trắc môi trường năm nào là hợp lệ (khi thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội bệnh nghề nghiệp). Nên quy định rõ để dễ thực hiện

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

Kết quả QTMTLĐ hợp lệ là kết quả do đơn vị đã công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động thực hiện trong thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp (cần thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội).

  1. Doanh nghiệp hỏi: Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định 85/2015/NĐ-CP

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Phụ lục số 1 Quy định về công trình vệ sinh phúc lợi tại nơi làm việc (Mục e, Khoản 1, Điều 1) Thông tư số 19/2016/ TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn hạn chế, không đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của NLĐ, không phát hiện ra bệnh nghề nghiệp cho những NLĐ làm việc trong môi trường lao động có nhiều yếu tố độc hại.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn là đầy đủ và chi tiết để các doanh nghiệp, cơ sở lao động triển khai. Cụ thể:

+ Hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp ngày 30/6/2016.

+ Quy định về đơn vị thực hiện khám bệnh nghề nghiệp được quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngày 01/7/2016 (Điều 22 và Điều 32).

– Tuy nhiên tình hình thực tế triển khai tại các doanh nghiệp và cơ sở lao động có một số hạn chế sau:

+ Nhận thức của người sử dụng lao động về yếu tố có hại trong môi trường lao động còn hạn chế hoặc chưa thực hiện nên chưa đề xuất đầy đủ trong Hồ sơ VSMTLĐ của cơ sở lao động. Cơ sở QTMTLĐ không có được kế hoạch chi tiết, do vậy không thực hiện quan trắc đầy đủ các yếu tố có hại có trong MTLĐ cũng như những vị trí lao động có yếu tố có hại mà NLĐ làm việc.

+ Trên thực tế: (i) NSDLĐ muốn giảm chi phí, tổ chức khám sức khỏe mức tối thiểu để có hồ sơ khám sức khỏe cho người lao động với mục đích phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; (ii) Do cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nên mức thu, giá thu có thể thực hiện ở mức thấp hơn quy định của Bộ Tài chính dẫn đến chất lượng khám chưa đạt yêu cầu; (iii) Công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở sản xuất và cơ sở khám sức khỏe chưa được thường xuyên, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

– Giải pháp: (i) Tăng cường công tác tuyên truyền/hướng dẫn doanh nghiệp về công tác y tế lao động, bệnh nghề nghiệp; (ii) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra ngành LĐTBXH, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế; (iii) Sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2013/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm, tăng cường xử phạt và chế tài đủ mạnh có tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Khoản 2, Điều 27 Luật An toàn vệ sinh lao động: Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp; thông báo kết quả khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để người lao động biết… Tuy nhiên trên thực tế do chỉ có quy định là thông báo kết quả khám sức khỏe cho người lao động nên việc theo dõi, quản lý sức khỏe của người lao động không được thực hiện đầy đủ, vì vậy việc chữa bệnh hoặc nâng cao sức khỏe của người lao động bị giảm sút là những nguyên nhân gây mất ATVSLĐ. Đề xuất cần bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động là “xây dựng kế hoạch và thực hiện việc theo dõi, quản lý sức khỏe của người lao động…”

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

Nội dung này đã được quy định đầy đủ và chi tiết tại Khoản 2 Điều 27 Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của Nghị định và các Thông tư số 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đây là vấn đề hiểu câu chữ trong văn bản vì “quản lý” đã bao gồm nội dung theo dõi, kiểm tra, đánh giá.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Hồ sơ: (i) Hồ sơ khám tuyển dụng có sự trùng lặp; (ii) Hồ sơ khám định kỳ bệnh nghề nghiệp và hồ sơ khám sức khỏe định kỳ là phức tạp và không cần thiết; và (iii) Hồ sơ, quy trình khám bệnh nghề nghiệp của người lao động quá nhiều thủ tục phức tạp, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

(i) Khám tuyển dụng không có sự trùng lặp về hồ sơ: Khi người lao động làm công việc tiếp xúc với yếu tố có hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đã có Giấy chứng nhận sức khỏe (theo Thông tư 14/2013/TT-BYT) thì chỉ cần bổ sung những yêu cầu còn thiếu (để xác định bệnh nghề nghiệp nếu người lao động nếu sau này mắc phải – theo yêu cầu của Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc tại Thông tư số 28/2016/TT-BYT). Đây là hai đối tượng khác nhau và không có sự chồng chéo và trùng lặp.

(ii) Hồ sơ khám định kỳ bệnh nghề nghiệp (Thông tư số 28/2016/TT-BYT) nhằm đánh giá, ghi nhận sự tiến triển của bệnh nghề nghiệp, qua đó người lao động có cơ sở được giám định lại bệnh nghề nghiệp để được hưởng đầy đủ chế độ chính sách về BHXH bệnh nghề nghiệp khi bệnh tiến triển nặng hơn. Còn đối với trường hợp lao động không tiếp xúc với yếu tố có hại có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 14/2013/TT-BYT. Như vậy các hồ sơ này là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong quá trình làm việc cũng như khi đã mắc bệnh nghề nghiệp.

(iii) Các quy định về hồ sơ và quy trình đã được rà soát và đơn giản hóa so với các quy định trước đây tại Thông tư số 12/2006/TT-BYT. Những nội dung này nhằm đảm bảo chất lượng khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Khái niệm “điều trị ổn định”

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Khái niệm này không thể quy định chi tiết vì phải tùy thuộc vào từng bệnh cảnh và kết luận của từng bác sỹ điều trị.

– Theo hướng dẫn của Viện Giám định Y khoa: Về nguyên tắc “Điều trị ổn định” có thể được hiểu là “Không có triệu chứng bệnh lý, nhưng vẫn cần phải điều trị ngoại trú; hoặc đã kết thúc quá trình điều trị nhưng vẫn còn di chứng; hoặc là bệnh mạn tính đã điều trị thường xuyên nhưng bệnh không tiến triển nặng thêm”.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Quy định thêm chứng chỉ chuyên môn về YTLĐ là không cần thiết và phức tạp, khó thực hiện do YTLĐ vẫn nằm trong y tế đa khoa chung.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Y tế lao động là một khoa chuyên sâu về mối liên quan giữa điều kiện lao động và bệnh tật; nội dung này được đào tạo chuyên ngành, vì thế BS đa khoa và cán bộ y tế nếu không được đào tạo sẽ không tổ chức thực hiện được các nội dung liên quan về quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp (đã được Luật ATVSLĐ quy định tại Điều 73);

– Thời gian huấn luyện về chuyên môn cấp chứng chỉ, chứng nhận về y tế lao động quy định 05 ngày và được cấp lại sau 5 năm với yêu cầu tham dự các giao ban về y tế để cập nhật kiến thức.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Quy định về việc phải có bác sỹ tại cơ sở sản xuất là phức tạp vì:

– Cơ bản bộ phận y tế tại doanh nghiệp chỉ thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và chỉ thực hiện sơ cứu. Trường hợp nặng thì chuyển lên bệnh viện để kịp thời điều trị.

– Tất cả NLĐ đã tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe từ cấp cơ sở đến cấp TW.

-> Lãng phí và không cần thiết. Với công ty có trên 300 người thì phải có 1 bác sỹ, 1 nhân viên chăm sóc sức khỏe thường trực, hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế gần nhất nhưng cơ bản chỉ có thể thực hiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu tại công ty, còn lại là không phù hợp với tình hình thực tế. Như vậy sẽ làm tăng gánh nặng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Bộ phận y tế có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của người lao động, trong quá trình lao động sản xuất.

– Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định yêu cầu bác sỹ tại cơ sở lao động đối với: (i) cơ sở sản xuất trong các ngành nghề có nguy cơ (chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất vật liệu xây dựng) với quy mô từ 300-500 NLĐ; và (ii) cơ sở sản xuất thông thường với quy mô trên 1000 NLĐ. Những ngành nghề nêu trên là những ngành nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất. Việc quy định có bác sỹ đối với những ngành nghề này nhằm đảm bảo cho người lao động được chăm sóc và quản lý sức khỏe một cách toàn diện và đảm bảo cho người lao động trên cơ sở yêu cầu trình độ bác sỹ tại cơ sở lao động:

+ Sàng lọc, đọc và hiểu được các xét nghiệm có liên quan đến yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp (thực hiện theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT) để tư vấn sắp xếp vị trí lao động của người lao động phù hợp và là điều kiện để xác định bệnh nghề nghiệp mà NLĐ sau này nếu mắc phải.

+ Theo dõi rà soát các hồ sơ sức khỏe của người lao động thông qua các kết quả khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm, khám định kỳ bệnh nghề nghiệp, và các xét nghiệm để tư vấn cho người sử dụng lao động bố trí sắp xếp lao động trong cơ sở lao động cho phù hợp. Tránh trường hợp để những người đã có các kết quả xét nghiệm mắc bệnh nghề nghiệp phải tiếp tục làm việc trong môi trường có yếu tố có hại, làm cho bệnh nghề nghiệp tiếp tục tiến triển nặng hơn.

+ Ngoài ra thông qua hoạt động chuyên trách và chỉ đạo chung về y tế của cơ sở lao động, bác sỹ còn tham gia quản lý và điều hành hoạt động chung của cán bộ y tế trong cơ sở lao động, hoạt động sơ cứu, cấp cứu, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (đưa ra danh sách các trường hợp sức khỏe yếu, tuổi nghề cao, có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám bệnh nghề nghiệp, giám định bệnh nghề nghiệp hoặc được điều trị, phục hồi chức năng lao động,…).

+ Đưa ra các lời khuyên và tư vấn sắp xếp vị trí làm việc phù hợp đối với các trường hợp, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi bình phục quay lại vị trí làm việc.

+ Bác sỹ tham gia điều tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp khi có yêu cầu.

– Việc quy định về cán bộ y tế, bác sỹ tại các cơ sở lao động không phải là những quy định mới được đưa ra mà đã được thực hiện từ năm 1998 tại Thông tư Liên tịch số 14/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN và Thông tư Liên tịch số 01/2011/TTLT/BLĐTBXH-BYT. Trên cơ sở đó các quy định được rà soát và tiếp tục đưa và quy định trong Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

– Các quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này đã được rà soát (trong nước và quốc tế) và tập trung cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và đã được chia nhóm có nguy cơ cao và nhóm ít nguy cơ.

– Ngoài ra quy định hiện hành cũng đã cho phép ký hợp đồng với các CSYT để đảm bảo sự linh hoạt trong hoạt động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, không quy định cứng phải có nhân lực về y tế thường trực tại cơ sở sản xuất.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Nội dung thực hiện ký hợp đồng liên kết với cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực và có mặt kịp thời tại công ty khi có xảy ra trường hợp khẩn cấp là chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho DN

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Quy định được đưa ra căn cứ kết quả đánh giá việc thực hiện ký hợp đồng với cơ sở y tế theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2011/TTLT/BLĐTBXH-BYT để đề xuất văn bản. Thực tế cho thấy quy định này đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đảm bảo linh hoạt trong quá trình thực hiện.

– Quy định về việc có mặt kịp thời của bộ phận y tế nhằm tránh việc các cơ sở lao động ký hợp đồng hình thức với cơ sở y tế, đảm bảo người lao động được chăm sóc y tế kịp thời khi có tai nạn hoặc vấn đề về sức khỏe.

  1. Doanh nghiệp hỏi: Điều kiện giảng viên huấn luyện sơ cứu, cấp cứu là khắt khe và khó đáp ứng (Điều 22 Nghị định 44/2016/NĐ-CP)
  2. d) Huấn luyện thực hành sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động: Người huấn luyện có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành y trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc có trình độ bác sĩ;

Cơ quan quản lý nhà nước trả lời

– Giảng viên huấn luyện là người thực hiện công tác huấn luyện về ATVSLĐ tại cơ sở lao động. Do vậy quy định này tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP nhằm đảm bảo chuyển tải đầy đủ và chính xác đảm bảo chất lượng các nội dung về SCCC tại nơi làm việc.

– Ngoài ra, các quy định này cũng tương thích đối với các yêu cầu đối với giảng viên huấn luyện về ATLĐ và kiểm định.

Xem thêm ...