Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, một số vấn đề cần quan tâm
Trong mọi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh thì phương tiện lao động và môi trường lao động là những yếu tố tác động trực tiếp có lợi hay có hại đối với người lao động.
Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế -xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một phần quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế xă hội của nước ta. Nội dung về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quy định trong rất nhiều văn bản luật như: Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn,… và một số Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn, nhân văn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Ngành y tế là một ngành lao động đặc thù, cường độ lao động cao ở tất cả các hoạt động. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh nên rất dễ bị lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan vi-rút, lao, SARS, H5N1 v.v. Không những thế, nhân viên y tế còn phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi chứa các mầm bệnh, phóng xạ, điện từ trường, siêu âm, tiếng ồn, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn và các loại hóa chất. Với sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho việc tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của các cấp Ủy, chính quyền các đơn vị, trong năm qua đã thu được kết quả đáng phấn khởi.
Hầu hết các đơn vị đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ), nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Hội đồng BHLĐ đã xây dựng quy chế an toàn lao động, vệ sinh lao động của đơn vị; xây dựng Kế hoạch bảo hộ lao động; tổ chức đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động trong đơn vị. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên đã phổ biến các qui định, chính sách chế độ mới về bảo hộ lao động của Nhà nước và của cơ sở đến toàn thể người lao động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người lao động nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sử dụng có hiệu quả các trang bị phòng hộ cá nhân trong quá trình làm việc; Y tế cơ quan đã tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị về kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, kế hoạch điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khoẻ định kỳ loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp; phòng chống nhiễm khuẩn nghề nghiệp và dự phòng một số bệnh lây nhiễm nghề nghiệp trong ngành y; theo dõi và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, sổ ghi chép tai nạn lao động và tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động xẩy ra trong đơn vị; phối hợp với bộ phận làm công tác bảo hộ lao động tổ chức việc đo đạc, kiểm tra, giám sát các yếu tố có hại trong môi trường lao động, hướng dẫn các khoa phòng và người lao động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động;
Các đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản chuyên môn, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, quy tắc ứng xử đối với nhân viên y tế, quy định về y đức,… và một số nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc các văn bản quy phạm pháp luật mới về chế độ chính sách đối với người lao động. Một số đơn vị đã tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho cán bộ viên chức vận hành máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (nồi hấp áp lực, nồi hơi, trung tâm khí nén, trung tâm oxy lỏng, bình khí nén, nồi chiết suất, thang máy, vận thăng nâng hàng, sử dụng hóa chất,…) và đã được cấp thẻ an toàn lao động.
Sức khỏe người lao động luôn được quan tâm, hầu hết các đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Dựa vào kết quả khám sức khỏe định kỳ, đơn vị đã bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động. Hàng năm chính quyền phối hợp với công đoàn cho cán bộ viên chức, người lao động đi thăm quan, nghỉ mát, tổ chức điều dưỡng phục hồi chức năng. Các đơn vị đã trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như quần áo bảo hộ, găng tay, ủng, kính, quần áo chuyên dụng phòng chống bệnh nguy hiểm, mặt nạ, khẩu trang, nút tai,…đáp ứng yêu cầu công việc. Các chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm, bồi dưỡng độc hại nguy hiểm bằng hiện vật đã được các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Công tác đo kiểm tra môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc đã được Lãnh đạo đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lao động, sản xuất nên đã đầu tư nhiều kinh phí để tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động. Theo báo cáo của 41 đơn vị, tổng số mẫu đo môi trường lao động là 3652 mẫu, trong đó có 420 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (11,5%). Nhiều đơn vị đã lắp đặt hệ thống máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, trang bị điều hòa, quạt thông gió, các tủ HOT tại các labo xét nghiệm, vì vậy đã phần nào nâng cao được sức khỏe cho người lao động, giảm mắc bệnh nghề nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Việc thu gom, phân loại chất thải được thực hiện theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chế quản lý chất y tế. Chất thải rắn được thu gom, phân loại tại các khoa, phòng, tổ sản xuất; chất thải nguy hại có kho bảo quản.
Với đặc thù của ngành Y tế là nhiều chuyên ngành, nên máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cũng có nhiều chủng loại như nồi hấp áp lực, lò hơi, nồi chiết suất, hệ thống khí nén, hệ thống oxy lỏng, bình khí nén, máy Xquang, thang máy, vận thăng nâng hàng, hệ thống điều hòa trung tâm, hóa chất…vì thế việc đăng ký và kiểm định cũng gặp nhiều khó khăn. Số máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định định kỳ chỉ đạt 27%.
Tuy nhiên, hoạt động an toàn lao động, vệ sinh lao động vẫn còn một số điểm tồn tại: số CBVC, người lao động được huấn luyện định kỳ chiếm tỷ lệ rất thấp (1,7%), đặc biệt là người lao động vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không có thẻ an toàn lao động; lập Hồ sơ vệ sinh lao động tại các đơn vị còn rất hạn chế, mới có số ít đơn vị lập hồ sơ vệ sinh lao động; số nhân viên y tế tham gia khám sức sức khỏe định kỳ còn thấp (43,4% ); việc tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các bộ phận, khoa, phòng, tổ sản xuất còn rất hạn chế; một số đơn vị có tổ chức kiểm tra nhưng không có biên bản tự kiểm tra, mà ghi trong cuốn sổ tay, không đưa ra các khuyến cáo về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ các đơn vị trong Ngành Y tế cần quan tâm những việc sau đây: Phải nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến TNLĐ, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những TNLĐ cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động. Bởi công tác ATVSLĐ luôn gắn liền với mọi họat động trong lao động, sản xuất, phải coi việc thực hiện công tác ATVSLĐ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và mọi cán bộ công nhân viên chức, lao động, đặc biệt là của người sử dụng lao động và người lao động. Song song đó xây dựng văn hóa an toàn, ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa, bảo đảm công tác ATVSLĐ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường… là những nội dung quan trọng cần đặt ra.
Chúng ta cần tăng cường tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đơn vị sử dụng lao động để triển khai tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ, thực hiện và đảm bảo tốt công tác ATVSLĐ để có một môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động an tâm khi làm việc, góp phần nâng cao nâng suất, hiệu quả trong lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
ThS. Phạm Xuân Thành
Cục Quản lý môi trường y tế
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Công văn xin ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. 11/10/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Xây dựng và phát sóng thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động, khu công nghiệp; phát sóng trên Đài truyền hình Thông Tấn và Đài truyền hình VTC1) 11/06/2024
- Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động ngành y bị bệnh nghề nghiệp 24/05/2024