Công ước MINAMATA về Thủy Ngân và tiến trình ký kết, phê duyệt và thực hiện tại Việt Nam
Nguyễn Thị Liên Hương*, Nguyễn Thị Hồng Hà** * Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế; ** Cục Hóa chất-Bộ Công Thương
Ông Lê Quang Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương ký kết tham gia Công ước Minamata về thủy ngân
tại Minamata Nhật Bản tháng 10 năm 2013
Thủy ngân là một kim loại lỏng, khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Thủy ngân được phát thải ra từ 3 nguồn: 10% từ nguồn địa chất tự nhiên; 30% từ hoạt động con người như đốt than, khai thác mỏ, tinh luyện kim loại, thiêu đốt chất thải…; 60% thủy ngân “tái-phát thải” từ thủy ngân được thải ra trước đó tích tụ ở lớp đất bề mặt và đại dương hàng thế kỷ qua.
Công ước Minamata về thủy ngân làm một công cụ pháp lý toàn cầu về thủy ngân được thông qua tại Minamata Nhật bản vào tháng 10 năm 2013. Hơn 50 năm sau khi các công dân của thành phố Minamata Nhật bản bị nhiễm độc thủy ngân do hải sản địa phương bị nhiễm thủy ngân từ nước thải của nhà máy hóa chất, 92 nước trên thế giới đã ký Công ước liên hiệp quốc nhằm ngăn ngừa thảm kịch như vậy xảy ra. Công ước hướng tới kiểm soát và giảm thiểu sử dụng và phát thải thủy ngân từ các sản phẩm, các quá trình sản xuất, chế biến và các ngành công nghiệp.
Công ước yêu cầu tất cả các nước tham gia phải quản lý và loại trừ thủy ngân ở toàn bộ các khâu trong chu kỳ tồn tại của nó gồm sản xuất thủy ngân, sử dụng có chủ đích thủy ngân trong các sản phẩm và các quá trình sản xuất, chế biến, phát thải không chủ đích từ các hoạt động công nghiệp, đến khâu cuối cùng của chu kỳ tồn tại gồm chất thải, các khu vực bị nhiễm thủy ngân và lưu chứa lâu dài chất thải thủy ngân.
Công ước gồm 35 điều và 5 phụ lục. Nội dung chính của Công ước gồm:
– Giảm thiểu và loại bỏ hoàn toàn (nếu có thể) việc sử dụng và phát thải thủy ngân từ hoạt động khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ.
– Kiểm soát phát thải thủy ngân vào không khí từ các nhà máy sản xuất năng lượng từ đốt cháy than, nồi hơi công nghiệp sử dụng than đốt cháy, hoạt động sản xuất kim loại không chứa sắt, đốt chất thải và sản xuất xi măng.
– Loại trừ hoặc tiến hành các biện pháp giảm thiểu sử dụng thủy ngân trong các sản phẩm như pin, mạch, bóng đèn, mỹ phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật và các thiết bị đo (nhiệt kế, huyết áp kế…), thực hiện các bước khởi động để giảm thiểu sử dụng thủy ngân trong nha khoa.
– Loại trừ hoặc giảm sử dụng thủy ngân trong các quá trình sản xuất Chlor-alkali, vinyl chloride và acetaldehyde.
– Ngoài ra Công ước cũng quy định về việc cung cấp và thương mại thủy ngân; thải bỏ và lưu trữ an toàn hơn và các chiến lược xử lý đối với khu vực bị nhiễm thủy ngân.
– Công ước bao gồm các điều khoản về hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin, nhận thức của cộng đồng và nghiên cứu, giám sát. Công ước cũng yêu cầu các nước báo cáo biện pháp thực hiện các điều khoản.
Việt Nam là một trong 92 nước tham gia ký kết Công ước Minamata về thủy ngân tại Nhật Bản. Hiện nay tại Việt Nam các ngành có liên quan chính đến sử dụng và phát thải thủy ngân là sản xuất và sử dụng thiết bị chiếu sáng (đèn huỳnh quang), đốt than từ nhà máy phân bón, lĩnh vực y tế (nhiệt kế thủy ngân, huyết áp kế thủy ngân, hỗn hống nha khoa), khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ. Để chuẩn bị ký kết, gia nhập và thực hiện Công ước, Bộ Công thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì triển khai, phối hợp với các Bộ ngành khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế…
Thực hiện Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Công thương đang chuẩn bị để trình Chính phủ phê duyệt (1) Điều tra quốc gia về hiện trạng sử dụng và phát thải thủy ngân tại Việt Nam; (2) Báo cáo đánh giá về tác động của việc ký kết và phê duyệt Công ước đối với Việt Nam; (3) Báo cáo đánh giá về việc xem xét chỉnh sửa, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để tuân thủ và thực thi các điều khoản của Công ước; (4) Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Công ước. Dự kiến các nội dung trên sẽ được Chính phủ phê duyệt vào năm 2015.
Xem thêm ...
- Danh sách chế phẩm được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 11/09/2024
- Danh mục các chế phẩm vệ sinh tay và sát khuẩn bề mặt dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 13/09/2022
- Thông tin các đơn vị đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm, kiểm nghiệm chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn 18/03/2020
- Bộ Y tế tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hóa chất khử khuẩn trong y tế 12/02/2020
- Đính chính Quyết định rút số đăng ký lưu hành 10/02/2020