Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức Tập huấn hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại Quốc tế ILO phim X-quang bệnh bụi phổi



Từ ngày 16-20/9/2019, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và Dự án nâng cao năng lực đọc phim các nước Đông Nam Á đã tổ chức tập huấn “Hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại quốc […]

Từ ngày 16-20/9/2019, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và Dự án nâng cao năng lực đọc phim các nước Đông Nam Á đã tổ chức tập huấn “Hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại quốc tế ILO phim X-Quang các bệnh bụi phổi”. Tham dự tập huấn có PGS. TS Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Ông Nguyễn Phương Nam – Cán bộ Chương trình của Tổ chức Y tế thế giới; GS. Narufumi Suganuma – Hiệu trưởng trường Y Kochi Nhật Bản, Chủ trì Dự án; TS Naw Awn – Tổng thư ký Dự án Nâng cao năng lực đọc phim các nước Đông Nam Á; TS. Ponglada Subhannachart Viện Các bệnh phổi Vương Quốc Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Các học viên tham gia là các bác sỹ đã có kinh nghiệm trong khám bệnh nghề nghiệp và các bệnh đường hô hấp từ các Trường Đại học Y, Dược thuộc Bộ Y tế, các Viện thuộc hệ YTDP và Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường/Trung tâm giám định y khoa các tỉnh/thành phố.
PGS. TS Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, PGS.TS Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết: Bệnh bụi phổi là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay ban hành 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, hàng năm có từ 100-200 ngàn người lao động được khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp và phát hiện khoảng 7.000 người lao động mắc; có 500 trường hợp được giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Tổng các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lũy tích đến 2018 là trên 29.700 trường hợp, trong đó các bệnh bụi phổi chiếm tới 75%, tập trung chủ yếu là bệnh bụi phổi silic.
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong chẩn đoán của ngành y tế hiện nay, có nhiều công nghệ mới để chẩn đoán bệnh bụi phổi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế thì phim X-quang vẫn là một trong những công cụ sàng lọc bệnh bụi phổi ở người lao động hữu ích nhất và hiện đang được sử dụng. Trong thời gian qua, ngành y tế có nhiều nỗ lực trong chương trình phòng chống bệnh bụi phổi. Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong chuẩn hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn chẩn đoán, thể hiện qua các thông tư về hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp trong đó có bệnh bụi phổi; Quy chuẩn vệ sinh lao động về các yếu tố bụi trong quan trắc môi trường lao động. Ngoài ra, công tác nâng cao năng lực nói chung đã được Bộ Y tế chú trọng trong thời gian qua thông qua hàng loạt các lớp tập huấn phối hợp cùng các tổ chức quốc tế như Tổ chức lao động quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới. Lớp tập huấn là cơ hội để các học viên trao đổi kinh nghiệm, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn tiếp cận với các kiến thức mới về lĩnh vực bệnh bụi phổi nghề nghiệp nói chung và các bệnh liên quan đến Amiăng nói riêng.
ThS. Trần Anh Thành – Trưởng phòng Quản lý sức khỏe lao động trình bày tại lớp tập huấn
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được đại diện Cục Quản lý môi trường y tế trình bày thực trạng bệnh bụi phổi tại Việt Nam và tác hại của Amiang đến sức khỏe con người và tiêu chuẩn chẩn đoán một số bệnh bụi phổi. Bên cạnh đó, các học viên cũng đã được nghe các chuyên gia đến từ Nhật Bản trình bày về tiêu chuẩn phim X-quang theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới và Phiếu đọc phim; Nguyên tắc cơ bản và chất lượng của phim X-quang; Sử dụng phim X-quang ngực và phim CT trong chẩn đoán các bệnh bụi phổi. Tại lớp tập huấn, các học viên cũng đã được các giảng viên hướng dẫn thực hành đọc phim các trường hợp bụi phổi tại các cơ sở y tế.
Chuyên gia dự án hướng dẫn thực hành đọc phim bụi phổi tại lớp tập huấn
Kết thúc tập huấn, các học viên làm bài kiểm tra kỹ năng cuối khóa tập huấn và được trao chứng nhận tham dự khóa tập huấn. Khóa tập huấn là cơ hội để bác sỹ cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bệnh nghề nghiệp, chẩn đoán hình ảnh, tiếp cận với các kiến thức và thông tin mới thông qua sự hướng dẫn của các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành quốc tế về lĩnh vực bệnh bụi phổi nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến Amiang.
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn:
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường trình bài tại lớp tập huấn
TS. Naw Awn – chuyên gia Dự án nâng cao năng lực đọc phim các nước Đông Nam Á trình bày tại tập huấn

Chuyên gia của Dự án hướng dẫn thực hành đọc phim cho các học viên
Toàn cảnh lớp tập huấn

Hường Phạm

Xem thêm ...