Đoàn tham quan trao đổi kinh nghiệm về Quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế tại Canada



Nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức đoàn tham quan trao đổi về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia […]

Nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức đoàn tham quan trao đổi về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế tại Canada. Đoàn gồm 7 người do PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế làm trưởng đoàn. Ngoài lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý môi trường y tế, tham gia Đoàn có đại diện của Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Pasteur Nha Trang. Trong thời gian từ 21 – 28/10/2018, Đoàn đã làm việc với Bộ Y tế Canada tại Ottawa và Sở Nông nghiệp tỉnh Manitoba tại TP. Winnipeg – Canada.
Tại Bộ Y tế Canada, Đoàn đã làm việc với các phòng, ban của Cơ quan chính sách quản lý hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất dùng trong y tế công cộng (pesticide). Tại buổi làm việc Đoàn đã được nghe phía bạn giới thiệu về các quy định quản lý chế phẩm diệt côn trùng tại Canada, quy trình đăng ký chế phẩm diệt côn trùng, báo cáo kết quả buôn bán chế phẩm diệt côn trùng, báo cáo trường hợp nhiễm độc hóa chất diệt côn trùng; quy trình đánh giá khoa học, đánh giá rủi ro trong việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng… Đoàn cũng giới thiệu với phía bạn về hệ thống quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn gia dụng và y tế của Việt Nam. Hai bên đã trao đổi làm rõ một số nội dung về hệ thống quản lý của hai nước.

Làm việc tại Cơ quan chính sách quản lý hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất dùng trong y tế công cộng, Bộ Y tế Canada

Tại tỉnh Manitoba, Đoàn làm việc với đại diện của Sở Nông nghiệp và Sở môi trường Manitoba, là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chế phẩm diệt côn trùng sau khi đăng ký và các hoạt động khác liên quan đến lưu chứa, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng ở cấp tỉnh của Canada. Tai buổi làm việc, Đoàn đã được nghe đại diện phía bạn giới thiệu về các quy định cấp giấy phép cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, cấp giấy phép bán lẻ chế phẩm diệt côn trùng, giấy phép lưu chứa hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng. Đoàn đã trao đổi với phía bạn để làm rõ một số nội dung về thẩm quyền quản lý chế phẩm diệt côn trùng ở cấp tỉnh, mối quan hệ phối hợp quản lý giữa Bộ Y tế Canada, Sở Y tế tỉnh và Sở Nông nghiệp tỉnh trong quản lý chế phẩm diệt côn trùng.

Làm việc tại Sở Nông nghiệp Manitoba

Đoàn đã có cơ hội trao đổi, làm rõ, tiếp thu kinh nghiệm về quản lý chế phẩm diệt côn trùng của Canada.Hệ thống quản lý nhà nước về chế phẩm diệt côn trùng tại Canada là một hệ thống toàn diện, chặt chẽ trên phạm vi cả nước. Tại trung ương, Bộ Y tế Canada chịu trách nhiệm quản lý tất cả các sản phẩm diệt côn trùng, bao gồm quản lý việc cấp giấy phép đăng ký và đánh giá lại, quản lý an toàn sử dụng hóa chất,đánh giá tác động của hóa chất đến môi trường, hậu kiểm. Tại các tỉnh, Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý việccấp giấy phép cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, cấp giấy phép bán lẻ chế phẩm diệt côn trùng, giấy phép lưu chứa hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng.
Hệ thống đăng ký hóa chất diệt côn trùng tại Canada có nhiều ưu điểm: Hồ sơ tại hệ thống đăng ký trực tuyến được phân loại theo nhiều nhóm chế phẩm tương ứng với thành phần hồ sơ khác nhau (tài liệu về độc tính, tài liệu nghiên cứu tác động ảnh hưởng…) và thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký tương ứng để phù hợp với bản chất của từng loại chế phẩm. Thời gian đăng ký khá dài (2 – 2,5 năm kể từ khi nộp hồ sơ đầy đủ), do vậy, cơ quan quản lý có đủ thời gian xem xét tất cả các khía cạnh về an toàn, hiệu quả… trước khi quyết định cho phép lưu hành sản phẩm.
Việc quản lý sau đăng ký tại Canada rất chặt chẽ và hiệu quả, bao gồm nhiều nội dung quản lý có liên quan đến việc lưu hành, sử dụng sản phẩm. Bộ Y tế Canada có hệ thống báo cáo trực tuyến hàng năm về hoạt động kinh doanh hóa chất của các tổ chức, cá nhân kinh doanh;Hệ thống trực tuyến báo cáo trường hợp nghi ngờ ngộ độc hóa chất diệt côn trùng cũng hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, chế phẩm khi lưu hành trên thị trường tiếp tục được giám sát, đánh giá với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, đảm bảo sản phẩm an toàn cho con người và môi trường, đồng thời kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Việc đảm bảo an toàn trong quá trình lưu hành, sử dụng chế phẩm còn được củng cố thông qua hệ thống quản lý tại các tỉnh do Sở Nông nghiệp đảm nhận, bao gồm việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, cấp giấy phép bán lẻ chế phẩm diệt côn trùng, giấy phép lưu chứa hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên với sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp trung ương và địa phương.
Kết quả của chuyến tham quan trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp tăng cường công tác quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, đồng thời là cơ sở để Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng hiệu lực quản lý nhóm sản phẩm này.
Thanh Hảo

Xem thêm ...