Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu



Ngày 10/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường long trọng tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu. Tới dự Hội nghị có, Đồng chí Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngài Hoesung Lee, Chủ lịch Ban Liên Chính phủ về BĐKH. […]

Ngày 10/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường long trọng tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu.
Tới dự Hội nghị có, Đồng chí Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngài Hoesung Lee, Chủ lịch Ban Liên Chính phủ về BĐKH. Về phía Bộ Y tế có, GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế. Ngoài ra có đại diện các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam; đại diện Nhóm công tác về biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất. Ước tính hàng năm trên thế giới, BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng nhiều bệnh tật như 3,5 triệu người tử vong do suy dinh dưỡng; 2,2 triệu người tử vong do tiêu chảy; khoảng 900 nghìn người tử vong do sốt rét; khoảng 60 nghìn người tử vong do sốc nhiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Dự báo từ năm 2030 đến 2050, BĐKH sẽ làm tăng thêm khoảng 250 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm.
Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy: BĐKH làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 10C, thì tăng 3,4-4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc SXH, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động BĐKH tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc buổi đối thoại
Trong bài phát biểu khai mạc Đồng chí Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:
“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các đối tác phát triển, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.”
Tại Hội nghị, Giới thiệu về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết, IPCC chọn năm 2018 để công bố các báo cáo này vì các quốc gia đã đạt được những tiến bộ tích cực nhằm thực hiện Thỏa thuận và Đối thoại Talanoa. 195 thành viên trong IPCC đã thông qua báo cáo này và đây là cơ sở khoa học quan trọng cho chính phủ xây dựng chính sách về BĐKH, cũng như nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các đàm phán quốc tế.

TS. Heosung Lee Chủ tịch Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC)
“Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5ºC sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội”, Chủ tịch Heosung Lee cho biết. “Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5ºC so với 2ºC có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”.
Về phía Bộ Y tế, được sự ủy nhiệm của Lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đã có báo cáo tham luận nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam của ngành y tế và có những đề xuất sau:
– Đề nghị Ban Liên Chính phủ về BĐKH, các tổ chức quốc tế hỗ trợ Bộ Y tế triển khai Dự án về thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực y tế gồm các nội dung chính:
+ Xây dựng hệ thống quốc gia về dự báo, cảnh báo sớm tác động của BĐKH tới sức khoẻ;
+ Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các bệnh viện các cơ sở y tế;
+ Triển khai các mô hình cộng đồng và cơ sở y tế thích ứng với BĐKH để dự phòng và bảo vệ sức khỏe.
– Đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp, cung cấp các thông tin, báo cáo, cơ sở dữ liệu về BĐKH và các yếu tố liên quan cho ngành y tế.
– Đề nghị Bộ Kế hoạch & ĐT, Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho ngành Y tế thực hiện được các nhiệm vụ được giao về ứng phó với BĐKH tại Trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH, đại diện các đối tác phát triển trao đổi, góp ý, thảo luận về những nỗ lực ứng phó với BĐKH của Việt Nam để làm tốt hơn nữa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Một số ảnh tại Hội nghị:

Các Đại biểu tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm

PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế tại Hội Nghị

Bài và ảnh: Lăng Thúy – Thu Hằng

Xem thêm ...