Hội nghị quốc gia triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động ngành y tế



Ngày 28 tháng 10 năm 2015 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức hội nghị quốc gia triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam, đại diện một số Bộ, Ban ngành, Sở Y tế Vĩnh Phúc, Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành phố. Chủ trì Hội nghị có Bà Lê Thị Nguyệt, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng, Cục Quản lý môi trường y tế.


Trong bài phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh “Sức khỏe là vốn quý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã góp phần làm nên những thành công trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Khi người lao động được chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, họ tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong công việc”

Tuy nhiên, công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tại mới chỉ 15-20% cơ sở lao động được quản lý, mà chủ yếu là doanh nghiệp lớn; Trong giai đoạn 2011-2015, trung bình hàng năm, mới đo, kiểm tra môi trường lao động được gần 550.000 mẫu. Số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép chiếm trên 10%, và chưa có xu hướng giảm. Mỗi năm chỉ có gần 1.200.000 người lao động được khám sức khỏe định kỳ (chiếm khoảng 5-8% người lao động có hợp đồng lao động), 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện, và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp”.


Để đáp ứng công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, trong đó có nhiều điều kiện liên quan đến lao động, ngày 25/6/2015 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đây là một đạo Luật hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ cho người lao động đang có việc làm theo hợp đồng lao động, mà còn điều chỉnh cả đối tượng là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, lao động tự do,…); trong Luật cũng đã phân định rõ về quyền và nghĩa vụ của từng nhóm người lao động và người sử dụng lao động, bổ sung nhóm các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác an toàn vệ sinh lao động,… Ngoài các quy định trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phạm vi điều chỉnh của Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp …

Luật cũng nêu rõ nhiệm vụ của ngành Y tế trong việc quy định giới hạn tiếp xúc, yếu tố tiếp xúc; hướng dẫn theo thẩm quyền về đánh giá, kiểm soát yếu tố có hại trong môi trường lao động; khám sức khỏe, khám, giám định bệnh nghề nghiệp, điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quan trắc môi trường lao động; nghiên cứu bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp,…

Hy vọng rằng, sau Hội nghị này các đại biểu sẽ tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động đem lại hiệu quả thiết thực cho người lao động.

Bài và ảnh

ThS. Phạm Xuân Thành

Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...