Hội nghị tổng kết công tác vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng giai đoạn 2016 – 2020



Ngày 4/10/2016 tại Nam Định, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020.

6-10-16_1

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại  Hội nghị

Tham dự Hội nghị có GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế;Ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Ông Friday Nwaigwe, Trưởng chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – Unicef; TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và đào tạo, đại diện các Cục, Vụ, Viện, cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế, các tổ chức Quốc tế (đại diện Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ; Tổ chức IDE; Quỹ Unilever tại Việt Nam) và đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng 55 tỉnh/thành phố.

6-10-16_2

TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục QLMTYT trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo đánh giá của Cục Quản lý môi trường y tế, trong 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015. Tính chung cho toàn quốc, đến hết tháng 12 năm 2015, đã đạt được kết quả như sau:

89,4% hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam có nhà tiêu trong đó vùng sinh thái có độ bao phủ nhà tiêu cao nhất là đồng bằng sông Hồng (97,4%) và Đông Nam Bộ (96,5%); còn thấp nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long (78,2%) nơi mà cầu tiêu ao cá còn khá phổ biến. Những thói quen phóng uế bừa bãi của người dân vẫn còn khá phổ biến, ước tính khoảng 5 triệu người vẫn còn phóng uế bừa bãi.

65% hộ gia đình khu vực nông thôn Việt Nam có nhà tiêu HVS. Như vậy, tính chung cho toàn quốc thì mục tiêu thứ nhất của hợp phần vệ sinh đã đạt. Tuy nhiêu, nếu xét riêng theo từng vùng sinh thái và từng tỉnh thì không phải tất cả các vùng sinh thái và các tỉnh đều có tỷ lệ nhà tiêu hộ gia đình nông thôn HVS đạt 65%. Chỉ có 3 vùng sinh thái đạt mục tiêu là tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu HVS đạt từ 65% trở lên. Đó là Đông Nam Bộ (86,2%), Đồng bằng sông Hồng (79,5%) và Duyên hải nam trung bộ (71,7%). Còn 4 vùng sinh thái không đạt mục tiêu của Chương trình. Đó là Bắc trung bộ (64,2%), Tây Nguyên (60,9%), Đồng bằng sông Cửu Long (59,7%) và miền núi phía Bắc (57,7%). Trong 63 tỉnh/thành phố, 37 tỉnh (chiếm 59%) đạt mục tiêu của Chương trình, tức là có từ 65% hộ gia đình nông thôn trở lên có nhà tiêu HVS.

93% Trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS, được quản lý và sử dụng tốt. Như vậy, tính chung cho toàn quốc thì mục tiêu thứ hai của hợp phần vệ sinh chưa đạt (100% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS). Trong 63 tỉnh/thành phố, 30 tỉnh/thành phố có 100% TYT có nước sạch và nhà tiêu HVS, một số tỉnh có tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS đạt thấp dưới 80% là Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Trà Vinh.

Chương trình MTQG NS&VSMTNT là một Chương trình mang tính xã hội cao, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc cải thiện vệ sinh nông thôn đã góp phần giảm tình trạng bệnh tật trong dân cư, đặc biệt là các bệnh có liên quan đến nước và vệ sinh như tiêu chảy, giun sán, thương hàn, tả, lỵ, sốt rét, mắt hột,… một số bệnh thường gặp nhất là đối với trẻ em, phụ nữ; thông qua đó gián tiếp làm giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường sống của người dân, đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (Mục tiêu đảm bảo bền vững môi trường – MDG7) mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế vào năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mà Chương trình tiêu mục quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 đã đạt được thì còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu HVS hạn chế; Các giải pháp về tài chính, kỹ thuật nhà tiêu đơn giản, giá thành hạ để thúc đẩy vệ sinh hộ gia đình chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đối với nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc; Sự quan tâm của các cấp chính quyền đến công tác vệ sinh chưa thực sự cao nên các chính quyền địa phương chưa chủ động cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương cho thực hiện các mục tiêu về vệ sinh nông thôn; Công tác truyền thông đến từng đối tượng thụ hưởng còn chưa hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ gắn liền với đặc điểm địa lý, văn hóa của từng vùng miền; Việc thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân của người dân còn thấp, việc sử dụng, bảo quản công trình vệ sinh hộ gia đình, trạm y tế chưa có tính bền vững dẫn đến nhiều công trình sau một thời gian sử dụng từ hợp vệ sinh trở thành không hợp vệ sinh; Thiếu khung pháp lý để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và chính sách quốc gia khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh.

Để từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 và cam kết của chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 là 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; năm 2025 là 90% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và năm 2030 là 100% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Để đạt được những mục tiêu này, ngành y tế cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục vận động chính sách tăng cường đầu tư cho vệ sinh, ận động đưa vệ sinh vào chỉ tiêu phát triển KT – XH của địa phương giai đoạn 2016-2020; chỉ tiêu phát triển KT – XH quốc gia giai đoạn 2020-2025; Triển khai hiệu quả để đạt được tiêu chí về vệ sinh trong tiêu chí số 17 theo QĐ 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của TTCP phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Huy động nguồn vốn tín dụng cho vay xây công trình vệ sinh hộ gia đình từ Ngân hàng chính sách và hỗ trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; Xây dựng và hoàn thiện các chỉ số về vệ sinh nhà tiêu, vệ sinh cá nhân, chấm dứt đi tiêu bừa bãi của SDG6.

6-10-16_4

Ông Friday Nwaigwe, Trưởng chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – Unicef  phát biểu tại Hội nghị

Ông Friday Nwaigwe, Trưởng chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – Unicef  cho biết: “Vệ sinh môi trường là một chương trình lớn, Tổ chức Unicef đã có những ưu tiên cao cho chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đối tác chính là Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế. Vệ sinh có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của trẻ em. Điều tra cho thấy, trẻ em ở vùng vệ sinh chưa cải thiện có tỷ lệ thấp còi cao hơn, chính phủ Việt Nam đang triển khai chương trình Vệ sinh môi trường nông thôn mới đến năm 2021, Unicef cũng sẽ rà soát chiến lược để có thể hợp tác tốt hơn, có thể mở thêm được nhiều đối tác tham gia được vào chương trình”.

Cũng tại Hội nghị, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã trình bày các thách thức và khắc phục rào cản ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường nông thôn; Định hướng hỗ trợ của các nhà tài trợ nhằm nhân rộng công tác vệ sinh nông thôn giai đoạn 2016 – 2020. Đã đã có nhiều cách làm, nhiều phương pháp tiếp cận, giải pháp và thành công như: Chương trình P4R mà Ngân hàng Thế giới chi trả dựa trên kết quả đầu ra là một cách làm của Chính phủ và các nhà tài trợ; cách làm của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ rất sáng tạo chi phí thấp hiệu quả cao số lượng lớn và cách làm của các tổ chức khác nữa như UNICEF, địa phương như tỉnh Hòa Bình và An Giang đã có sáng tạo, có những mô hình hiệu quả.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã trao Bằng khen cho 50 đơn vị, 168 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015.

6-10-16_5

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trao Bằng khen cho đại diện các đơn vị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh trong thời gian tới (i) Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi cá nhân, truyền thông dựa vào cộng đồng, truyền thông dựa trên bằng chứng (ii) Phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, của những người đứng đầu Trạm y tế, Trường học, Bệnh viện quan tâm vấn đề nhà vệ sinh sạch sẽ (iii) Cần xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể được các cấp lãnh đạo UBND thông qua và lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề nghị không nợ chỉ tiêu về vệ sinh trong tiêu chí nông thôn mới (iv) Đối với Bệnh viện đưa tiêu chí bệnh việc có nhà vệ sinh, có đủ nước, kiểm đếm phải đặt bao nhiêu tiêu chí để đạt vệ sinh bệnh viện (v) Tăng cường sự huy động nguồn lực nhiều hơn về xã hội, nguồn lực các nhà tài trợ và lồng ghép với các Chương trình/Dự án khác.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

6-10-16_6Ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội nghị

6-10-16_7

Toàn cảnh Hội nghị

 

Duy Thành

 

 

 

 

Xem thêm ...