Hội thảo chuyên đề về quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp



PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu khai mạc hội thảo Ngày 15/3/2014 tại thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Quản lý môi trường y tế đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp” […]

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu khai mạc hội thảo

Ngày 15/3/2014 tại thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Quản lý môi trường y tế đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp” với 80 đại biểu đến từ 30 Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trưởng, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố; Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh; Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng của ngành Y tế trong Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 16 năm 2014 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, với chủ đề: “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Trong bài phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đã đánh giá “Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có sự hưởng ứng tích cực của các cơ sở lao động và sự phấn đấu tích cực của Ngành y tế các cấp, do vậy các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động của ngành y tế về cơ bản đã thực hiện đảm bảo tiến độ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp luôn được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong mọi lĩnh vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Điều kiện làm việc của người lao động đã được cải thiện, số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép giảm hơn so với cùng kỳ, chỉ còn 8,35%; số đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tăng 22,12%; người lao động có sức khỏe từ loại I đến loại III chiếm 90%, chỉ còn 10% người lao động có sức khỏe loại IV, V.

Tuy nhiên, điều kiện làm việc và sức khỏe người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 12/2013 có 7.455 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện. Số lũy tích bệnh nghề nghiệp đến hết tháng 12 năm 2013 là 27.878 trường hợp, tập trung chủ yếu là nhóm bệnh bụi phổi (trên 75%); chỉ có khoảng 20% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Tình hình tai nạn lao động theo thông báo của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2013 có 6.695 vụ tai nạn lao động làm 6.887 người bị nạn, trong đó có 562 người bị chết, có 1.506 người bị thương nặng, số nạn nhân là lao động nữ 2.308 người “.

Các báo cáo được trình bày tại hội thảo bao gồm báo cáo Kết quả thực hiện Dự án Phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động năm 2013 – Giải pháp tổ chức thực hiện năm 2014; đánh giá công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế năm 2013; Đánh giá thực hiện phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong ngành Y tế; Công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế – Thực trạng và giải pháp; báo cáo đánh giá Nguồn nhân lực thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động – Thực trạng và giải pháp; Những khó khăn vướng mắc trong thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động – Đề xuất giải pháp khắc phục; Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế trong ngành Y tế…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề đã thảo luận sôi nổi và tập trung vào phân tích và định hướng cho các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong năm 2014 và những năm tiếp theo, và đặc biệt là Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 19/8/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga đã đồng tình với những ý kiến phát biểu của đại biểu và đưa ra một số định hướng

– Tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ra văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện các qui định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tăng cường rà soát quản lý các cơ sở có nguy cơ và triển khai thực hiện tốt mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp; đầu tư nguồn nhân lực cho hệ y tế dự phòng, đặc biệt là nhân lực và trang thiết bị để đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung thuộc Dự án Phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.

– Các cơ sở lao động, người sử dụng lao động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, sơ cấp cứu và phòng chống bệnh nghề nghiệp; Đa dạng hóa các loại hình truyền thông trong đó trước mắt tập trung vào các ngành có yếu tố nguy cơ cao như ngành xây dựng, ngành khai thác mỏ, ngành hóa chất, ngành y tế.

Bài và ảnh: ThS. Phạm Xuân Thành

Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...