Hội thảo khoa học Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng
Cục Quản lý môi trường y tế Ngày 25-26/02/2014, Bộ Y tế-Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo khoa học về Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội. Tới dự và phát biểu khai mạc […]
Cục Quản lý môi trường y tế
Ngày 25-26/02/2014, Bộ Y tế-Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo khoa học về Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội. Tới dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo có GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Gabit Ismailov-Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Đặc biệt Hội thảo khoa học được điều hành và chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế và GS. Ken Takahashi, Trường đại học Quốc gia Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Nhật Bản.
Tham luận tại Hội thảo có báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế và các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực amiăng: TS. Mohd Nasir Hassan, Trưởng nhóm tư vấn khu vực về Sức khỏe nghề nghiệp, Văn phòng khu vực Tổ chức Y tế thế giới; GS.Nico Van Zandwijk, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng Sydney, Úc; đại diện các Bộ ngành liên quan: Bộ Lao động-Thương binh và xã hội; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); Đại diện Viện Công Nghệ, Cục Hóa chất (Bộ Công thương)… Ngoài ra Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS.Bùi Thị An – Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, PGS.TS.Nguyễn An Lương – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam; các nhà khoa học nghiên cứu về amiăng; các đại biểu là Lãnh đạo, cán bộ chuyên trách triển khai công tác bảo vệ sức khỏe người lao động tại các tỉnh/thành phố Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Lào Cai, Phú Thọ và Hải Dương.
Ngoài nội dung chính là 10 trình bày của các chuyên gia quốc tế về công tác Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng trên thế giới, tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm của Nhật Bản; một số nội dung về tính độc hại của amiăng và các biện pháp kiểm soát đã được thảo luận tại Hội thảo:
- Amiăng trắng có hại cho sức khỏe hay không? Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới xếp amiang vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Tạp chí chuyên đề số 100 của IARC năm 2012 thông báo “mặc dù có sự khác biệt trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, đều có khả năng gây ung thư”. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển bao gồm Nhật Bản và Úc đã phải trả giá cho sự bùng nổ bệnh ung thư do amiang và tổn thất khi bồi thường cho người lao động và cộng đồng.
- Có thể sử dụng amiăng “có kiểm soát” hay không? Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: Không thể sử dụng amiăng an toàn. Trong tài liệu chính thức của WHO có khuyến nghị: cách tốt nhất để phòng chống bệnh do amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng. Mặc dù đã kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng amiăng, sau đó, 55 nước đã chính thức cấm sử dụng amiăng. Amiăng có khả năng gây bệnh rất cao với mức độ tiếp xúc thấp. Thêm vào đó, điều kiện bảo hộ lao động cho người lao động tại Việt Nam còn rất hạn chế. Số liệu về việc quản lý, bảo quản, sửa chữa và tiêu hủy các công trình sử dụng tấm lợp hiện nay trong dân cư cũng chưa được thống kê và và báo cáo thường xuyên. Năm 2013, tại phiên họp Công ước Rotterdam, chỉ có 7/150 nước (trong đó có Việt Nam) không ký Công ước (bổ sung amiăng vào Phụ lục 3 – Danh mục các chất cần khai báo khi xuất, nhập khẩu). Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế như EU, WB và Mỹ ủng hộ việc Cấm sử dụng amiăng. Các đại biểu cũng thống nhất Việt Nam cần có cái nhìn chiến lược từ những bài học của Nhật và Úc trong vấn đề amiăng để không có những quyết định quá muộn về kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng.
- Tình hình giám sát các bệnh liên quan đến amiăng tại Việt Nam. Kết quả thảo luận cho thấy:
– Việc giám sát sức khỏe của người lao động chưa hiệu quả trong phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng vì thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiăng kéo dài 20-30 năm. Do đó, người lao động thường phát bệnh khi đã nghỉ hưu. Nghiên cứu hợp tác của Bộ Y tế Việt Nam với các Viện, bệnh viện của Nhật Bản đã khẳng định có các trường hợp ung thư trung biểu mô liên quan đến amiang ở Việt Nam.
– Hiện số liệu của Việt Nam chưa đầy đủ, các nghiên cứu và nguồn lực còn hạn chế, khả năng chẩn đoán và trang thiết bị chẩn đoán chưa chính xác. Vì vậy, để kiểm soát tốt các bệnh liên quan đến amiăng, Việt Nam nên sử dụng số liệu khoa học, có uy tín đã có của các nước trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần có những nghiên cứu bổ sung chi phí-hiệu quả về đóng góp của ngành công nghiệp tấm lợp cho ngân sách nhà nước để so sánh với chi phí phải bỏ ra để điều trị bệnh nhân và chi phí đầu tư vật liệu thay thế amiăng.
– Trong quá trình nghiên cứu và giám sát, cần đảm bảo quy trình và kỹ thuật giám định bệnh bụi phổi amiăng, tránh bỏ sót. Trong quá trình giám sát nên lưu ý tập trung cho các khu vực sản xuất, trong khu dân cư gần nơi sản xuất tấm lợp, má phanh và các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt và các khu vực người dân sử dụng nhiều tấm lợp. Các bệnh liên quan đến amiăng bao gồm ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư màng phổi, nhưng chỉ có Bệnh bụi phổi amiăng được công nhận là các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
- Các Bộ/ngành liên quan đến amiăng hiện nay?Hiện có 6 Bộ/ngành liên quan, bao gồm: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính. Chính phủ đã phân công Bộ Công thương là đầu mối tổng hợp các ý kiến góp ý và tham mưu cho Chính phủ về việc quyết định có hay không phê duyệt công ước Rotterdam, do đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất cho Chính phủ dưới góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và người lao động. Hiện Bộ Xây dựng đang chuẩn bị trình Chính phủ để ban hành Quyết định sửa đổi quy hoạch tổng thể ngành vật liệu xây dựng, trong đó chưa đề cập đến việc cấm sử dụng amiang đến năm 2030.
- Vai trò của truyền thông trong phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng? Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách và cho cộng đồng về tác hại của amiăng. Cộng đồng sẵn sàng không sử dụng vật liệu có chứa amiăng nếu hiểu rõ về tác hại của amiăng. Vì vậy, các hoạt động về truyền thông cần minh bạch và có khả năng bao phủ rộng.
- Tấm lợp amiăng hiện nay có giá thành thấp, phù hợp với người dân có thu nhập thấp? Kết quả thảo luận cho thấy, người dân có thu nhập thấp cần được sử dụng các vật liệu an toàn. Nếu sử dụng amiăng, sức khỏe của người dân về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ tiếp tục là nguyên nhân của đói nghèo do ốm đau, mất sức lao động và chi phí điều trị. Ngoài ra, đối với môi trường, chi phí xử lý chất thải độc hại…còn cao hơn nhiều lần.
- Vật liệu thay thế? Việt Nam đã có những nghiên cứu và dây chuyền sản xuất vât liệu thay thế amiăng. Hiện nay có nhiều nước cấm sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng vì vậy, nếu khuyến khích các dây chuyền hiện đại này, chúng ta sẽ có thêm cơ hội để bán và xuất khẩu sản phẩm có chứa amiăng. Chất lượng của tấm lợp không chứa amiăng được chứng minh là tương đương với vật liệu amiăng và giá thành của tấm lợp không chứa amiăng (mặc dù mới chỉ sản xuất ở qui mô nhỏ) chỉ cao hơn vật liệu có amiăng 15%.
- Các nguồn hỗ trợ cho hoạt động phòng chống bệnh liên quan đến amiăng? Hiện nay, nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, các nhà tài trợ nên giúp đỡ Việt Nam để đưa ra được những nghiên cứu chi phí hiệu quả, cũng như xây dựng lộ trình loại trừ bệnh liên quan đến amiang ở Việt Nam và các hoạt động phòng chống.
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế kết luận:
- Amiăng trắng cũng như các loại amiăng khác đều độc hại với sức khỏe và là chất gây ung thư ở người.
- Số lượng người mắc bệnh liên quan đến amiăng ước tính sẽ lớn hơn dựa trên số lượng amiăng nhập khẩu vào Việt Nam và số lượng người bị tiếp xúc với amiăng.
- Để bảo vệ sức khỏe người lao động và cộng đồng, Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng.
- Việt Nam nên dựa trên kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phòng chống bệnh do amiang của nhiều nước trên thế giới. Các nghiên cứu ở Việt nam phải dự báo được tình hình bệnh tật liên quan đến amiăng trong thời gian tới.
- Cần tăng cường các hoạt động truyền thông về tác hại của amiăng
- Chính phủ đã phân công bộ Công Thương phụ trách công ước Rotterdam về hóa chất công nghiệp, do đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất cho Chính phủ đưa amiăng vào phụ lục 3 của công ước Rotterdam dưới góc độ về bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng.
- Cần khuyến khích và vận động cho việc sản xuất vật liệu thay thế
- Kết quả hội thảo sẽ được trình Lãnh đạo Bộ Y tế để xin ý kiến về việc làm tờ trình Chính phủ kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “Không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiang” vào Quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và dưới góc độ bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ủng hộ việc ký công ước Rotterdam về việc bổ sung amiang vào phụ lục 3 – Danh mục các chất cần khai báo khi xuất, nhập khẩu tại Hội nghị Rotterdam năm 2015.
Xem thêm ...
- Công văn xin ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. 11/10/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Xây dựng và phát sóng thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động, khu công nghiệp; phát sóng trên Đài truyền hình Thông Tấn và Đài truyền hình VTC1) 11/06/2024
- Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động ngành y bị bệnh nghề nghiệp 24/05/2024
- Danh sách tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và nghị định 140/2018/NĐ-CP 06/05/2024