Hội thảo Triển khai kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế đến năm 2020



  Ngày 14-15/3/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo Triển khai kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế đến năm 2020. Tham dự Hội thảo có TS. […]

 

Ngày 14-15/3/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo Triển khai kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế đến năm 2020. Tham dự Hội thảo có TS. Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Trường Đại học Y tế công cộng, đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng các đại diện Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường của 30 tỉnh/thành phố trong toàn quốc.
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 5 triệu người chết và hàng chục triệu người bị tàn phế suốt đời do tai nạn thương tích. Ước tính của WHO cho thấy khu vực Tây Thái Bình Dương đang phải chịu gánh nặng về tai nạn thương tích gây tử vong từ các nguyên nhân như tai nạn giao thông đường bộ (24%) đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong độ tuổi 15-29, tự tử (16%), đuối nước (7%), bỏng do lửa (5%), ngoài ra còn từ các nguyên nhân khác như ngộ độc, ngã…. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy: 10% tổng số trường hợp tử vong được báo cáo tại nước ta là do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi ngày có gần 100 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích, 40 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông và 15 trường hợp tử vong do đuối nước. Hàng năm có khoảng 847.000 trường hợp tai nạn thương tích nghiêm trọng. Ngoài ra, tai nạn thương tích còn để lại gánh nặng với gia đình và xã hội.
Hội thảo đã cho thấy, kế hoạch Phòng chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng của ngành y tế đến năm 2020 hoàn toàn phù hợp với kế hoạch Phòng chống thương tích khu vực Tây Thái Bình Dương giai đoạn 2016-2020, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Liên Hợp Quốc đã thông qua. Kế hoạch của ngành y tế cũng đã lồng ghép để đạt được các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Quyết định 234/2016/QĐ-TTg ngày 05/02/2016.
Để từng bước đạt được các mục tiêu đề ra, trong kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích đến năm 2020, ngành y tế cũng đã đề ra 05 mục tiêu cụ thể: 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thành lập ban chỉ đạo PCTNTT tại cộng đồng; 100% các tỉnh/thành phố thực hiện tuyên truyền, giáo dục và đào tạo; 95% địa phương tổ chức giám sát, báo cáo đúng hạn, đầy đủ; củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng, tăng 50% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn so với năm 2015.
Hội thảo cũng là cơ hội để các viện, trường, bệnh viện chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, kết quả trong phòng chống tai nạn thương tích, đưa ra định hướng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao và tăng cường hợp tác trong vấn đề này. Các đại biểu đã tập trung thảo luận phương án triển khai kế hoạch Phòng, chống tai nạn, thương tích ngành y tế được phê duyệt tại Quyết định số 216/QĐ-BYT ngày 20/01/2017 dựa trên kinh nghiệm triển khai các hoạt động xây dựng hệ thống giám sát, kết quả xây dựng cộng đồng an toàn, việc lồng ghép các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trong các hoạt động khác địa địa phương giai đoạn 2011-2015 của các tỉnh Cần Thơ, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo TS. Lương Mai Anh đánh giá cao công tác phối hợp liên ngành cũng như công tác phối hợp giữa các Vụ/Cục/Viện trường trong ngành y tế như Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng như các Viện, Trường thuộc hệ y tế dự phòng trong việc tuyên truyền, nghiên cứu giám sát, tăng cường công tác sơ cấp cứu cũng như thực hiện có hiệu quả các dự án xây dựng các mô hình an toàn tại cộng đồng, góp phần quan trọng trong quá trình làm giảm thiểu tai nạn thương tích tại Việt Nam. PCT Cục QLMTYT cũng cho rằng cần lồng ghép các chương trình truyền thông vào trường học, đây chính là phương tiện truyền thông mạnh mẽ lan tỏa trong cộng đồng. Hoạt động truyền thông cũng cần có hướng tiếp cận mới, tăng tính tương tác với đối tượng truyền thông xã hội nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động. Tại Hội thảo, Lãnh đạo Cục QLMTYT đã đưa ra những định hướng cụ thể trong năm 2017 cho các đơn vị tại tuyến trung ương nhằm rà soát tiêu chí cộng đồng an toàn và hướng dẫn triển khai tại Việt Nam, nâng cao năng lực giám sát tai nạn thương tích cho cán bộ ngành y tế, từng bước hoàn chỉnh phần mềm tai nạn thương tích và phần mềm tai nạn lao động, cập nhật các sản phẩm truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích trên website của Bộ Y tế. Về phía địa phương, lãnh đạo các đơn vị cần tích cực chỉ đạo việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tai nạn thương tích đồng thời cử các cán bộ tham dự các khóa tập huấn, đào tạo về công tác báo cáo tai nạn thương tích và báo cáo tai nạn lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng báo cáo của hệ thống.
Hội thảo cũng đã cho chúng ta thấy sự nỗ lực của ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đến năm 2020 để xây dựng Việt Nam trở thành “Điểm đến an toàn”, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích toàn cầu. Ngay lúc này đây, đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông và còn nhiều hành động khác trong cuộc sống hàng ngày là người dân đã góp phần làm cho mục tiêu đề ra sớm được hoàn thành, cũng là bảo vệ chính bản thân và gia đình chúng ta.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Tham luận của Cục Quản lý môi trường y tế tại Hội thảo

Xem thêm ...