Họp xây dựng dự án triển khai đánh giá tác động sức khỏe (HIA)
Ngày 20/2/2017, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế đã tổ chức họp với chuyên gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về xây dựng Dự án triển khai đánh giá tác động sức khỏe (HIA). Đây là dự án do ADB tài trợ và thực hiện chính bởi Cục […]
Ngày 20/2/2017, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế đã tổ chức họp với chuyên gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về xây dựng Dự án triển khai đánh giá tác động sức khỏe (HIA). Đây là dự án do ADB tài trợ và thực hiện chính bởi Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế và Cục thẩm định và Đánh giá tác động môi trường- Tổng Cục môi trường. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế chủ trì cuộc họp, tham dự có TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; Ông Vũ Thế Hưng đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường- Tổng Cục môi trường; Bà Genandrialine Peralta, Tư vấn ADB; Ông Daniel Gilfillan, cán bộ dự án ADB và đại diện một số phòng thuộc Cục Quản lý môi trường y tế.
Cuộc họp thống nhất các nội dung của Dự án, theo kế hoạch từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2017 dự án HIA sẽ tổ chức 2 khóa đào tạo về HIA tại miền Bắc và miền Nam. Chất lượng của mỗi khóa đào tạo sẽ được đánh giá bằng bảng câu hỏi lấy ý kiến khảo sát của học viên tham dự. Trong đó tài liệu đào tạo sẽ được điều chỉnh lại sau khóa học, phát hành bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh và được phổ biến trên Internet. Các thông tin về tính hiệu quả của khóa học sẽ được phổ biến qua email và thông báo tới các Bộ, ngành liên quan ở cấp trung ương và cấp tỉnh, cho các cơ sở giáo dục thông qua mạng lưới HIA khu vực và thông qua ADB; Xây dựng 2 hướng dẫn về thực hiện đánh giá tác động sức khỏe độc lập và thực hiện đánh giá tác động sức khỏe kết hợp trong đánh giá tác động môi trường; Tổ chức một hội thảo quốc gia tại Hà Nội về HIA dành cho lãnh đạo về tính lợi ích và sự cần thiết của HIA đối với các dự án xây dựng tại Việt Nam.
Đánh giá tác động sức khỏe trong đánh giá tác động môi trường là một yêu cầu pháp lý ở Việt Nam nhưng để thực hiện và đạt được hiệu quả tốt lại là một thách thức. Nhiều người cho rằng phạm vi của HIA chỉ bao gồm tăng cường các dịch vụ y tế và cải thiện việc đánh giá các tác động ô nhiễm. Tuy nhiên, phạm vi thực tế rộng hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần tăng cường dịch vụ y tế. Do đó, cần nâng cao năng lực và hiểu biết rộng hơn về HIA tại Việt Nam. Cho đến nay các hoạt động phục vụ cho công tác đánh giá tác động sức khỏe đã có một số dự thảo hướng dẫn và một số hội thảo tập huấn được tổ chức nhưng vẫn còn một số hạn chế như thiếu chuyên môn tuyến địa phương và thiếu vốn.
Thực tế cho thấy rằng, đánh giá tác động sức khỏe là một quá trình quan trọng cho việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe con người khỏi những tác động, ảnh hưởng của môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thay đổi môi trường. Vì thế, có thể nói việc thể chế hóa đánh giá tác động sức khỏe đang là trọng tâm phát triển của Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung. Dự án này là tiền đề để xây dựng kế hoạch dài hạn thúc đẩy hoạt động đánh giá tác động sức khỏe tại Việt Nam với sự giúp đỡ của ADB.
Xem thêm ...
- Danh sách chế phẩm được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 11/09/2024
- Danh mục các chế phẩm vệ sinh tay và sát khuẩn bề mặt dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực 13/09/2022
- Thông tin các đơn vị đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm, kiểm nghiệm chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn 18/03/2020
- Bộ Y tế tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hóa chất khử khuẩn trong y tế 12/02/2020
- Đính chính Quyết định rút số đăng ký lưu hành 10/02/2020