Kiểm tra liên ngành công tác đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ảnh 1: Đoàn công tác làm việc với các Sở, ngành và Công ty Nước sạch Hà Nội Hiện nay, đa số các nhà máy nước sử dụng nguồn nước nguyên liệu chính là nguồn nước ngầm, còn lại sử dụng nguồn nước mặt lấy từ Sông Đà, Đoàn kiểm tra đã có buổi làm […]
Ảnh 1: Đoàn công tác làm việc với các Sở, ngành và Công ty Nước sạch Hà Nội
Hiện nay, đa số các nhà máy nước sử dụng nguồn nước nguyên liệu chính là nguồn nước ngầm, còn lại sử dụng nguồn nước mặt lấy từ Sông Đà, Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Công ty Nước sạch Hà Nội
Nhằm tăng cường công tác kiểm soát đảm bảo chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt, trong 2 ngày từ 18/5 – 19/5 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường và đại diện một số đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch – VIWACO và các đơn vị liên quan về công tác thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Qua báo cáo, hiện nay Hà Nội có 137 cơ sở cấp nước tập trung, trong đó có 45 cơ sở cấp nước có công suất trên 1000 m3/ngày đêm (tổng công suất khoảng 914.920 m3/ngày đêm) và 92 cơ sở cấp nước có công suất dưới 1000 m3/ngày đêm (tổng công suất khoảng 28.429 m3/ngày đêm). Hiện nay, đa số các nhà máy nước sử dụng nguồn nước nguyên liệu chính là nguồn nước ngầm, còn lại sử dụng nguồn nước mặt lấy từ Sông Đà (nhà máy nước Vinaconex) để sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân thành phố.
Ảnh 2: Đoàn công tác kiểm tra tại Nhà máy nước Yên Phụ
Đoàn Công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế tại nhà máy nước Yên Phụ, khu chung cư Mỹ Đình Plaza và trạm cấp nước Phùng Xá – Huyện Thạch Thất.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, để tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã quan tâm và bố trí kinh phí cho ngành Y tế để thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2015 ngành Y tế Hà Nội được UBND thành phố đầu tư khoảng gần 10 tỷ đồng cho công tác giám sát chất lượng nước, trong đó 5 tỷ dành cho việc nâng cấp labo xét nghiệm của trung tâm và khoảng gần 5 tỷ cho công tác giám sát chất lượng nước. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội đã thực hiện công tác ngoại kiểm đánh giá chất lượng nước tại các cơ sở cung cấp nước định kỳ theo đúng qui định, đặc biệt là đối với 45 cơ sở cấp nước có công suất trên 1000 m3/ngày đêm. Hiện nay, Labo xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện đánh giá được 15/15 chỉ tiêu nhóm A, 10/16 chỉ tiêu nhóm B. Dự kiến, sau khi nâng cấp labo của Trung tâm sẽ thực hiện xét nghiệm toàn bộ các chỉ tiêu nhóm A, B và một số chỉ tiêu nhóm C theo QCVN 01: 2009/BYT.
Ảnh 3. Đoàn kiểm tra phòng xét nghiệm nội kiểm tại nhà máy nước Yên Phụ
Tại Hà Nội, vấn đề đảm bảo chất lượng nước đã được ban lãnh đạo các nhà máy cấp nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua kiểm tra, nhà máy nước Yên Phụ đã thực hiện công tác tự kiểm tra (nội kiểm) đánh giá chất lượng nước định kỳ theo qui định. Phòng xét nghiệm nội kiểm của Nhà máy đánh giá được 14 chỉ tiêu nhóm A. Đối với nước cấp từ Nhà mày nước Vinaconex được Công ty Viwaco (Công ty kinh doanh nước sạch mua lại nước của nhà máy nước Vinaconex) tiến hành kiểm tra định kỳ tại các điểm đầu, cuối trước khi cấp đến hộ gia đình. Công tác đảm bảo chất lượng nước tại các trạm cấp nước khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Qua báo cáo và kiểm tra thực tế tại trạm cấp nước Phùng Xá – Huyện Thạch Thất, vấn đề giám sát, đảm bảo chất lượng nước cấp đã được trạm cấp nước thực hiện. Tuy nhiên về chỉ tiêu, tần suất giám sát thì chưa được thực hiện đúng theo qui định, đặc biệt là đối với các chỉ tiêu nhóm B và nhóm C theo QCVN 01: 2009/BYT.
Đoàn công tác cũng đã lấy mẫu nước tại các khu vực nhà máy nước và hộ gia đình để kiểm tra chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt cho nhân dân. Dự kiến sau khi có kết quả xét nghiệm, Đoàn công tác sẽ làm việc và thông báo kết quả cho Sở Y tế TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đảm bảo chất lượng nước cấp cho người dân.
Bài và ảnh: Huy – Cường
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân 14/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 và Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030) 26/07/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Điều tra, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050) 05/06/2024