Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan trọng
ảnh : Nguồn Internet Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được chính phủ Việt Nam quan tâm và dành ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây cũng được xác định là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan trọng mà […]
ảnh : Nguồn Internet
Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được chính phủ Việt Nam quan tâm và dành ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây cũng được xác định là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng Quốc tế. Thủ tướng chính phủ đã ban hành ba Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 1998- 2015 với các mục tiêu: Đến năm 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (trong đó 45% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02 của Bộ Y tế); 65% số hộ gia đình ở nông thông có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% các trường học, trạm y tế xã có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trong những năm gần đây Việt Nam đã có cải thiện đáng kể trong tỷ lệ bao phủ vệ sinh. Tính đến hết tháng 6/2014 trung bình tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp về sinh của hộ gia đình nông thôn đạt 61% và tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch đạt 82%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh HGĐ vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền: 22 tỉnh có tỷ lệ bao phủ nhà tiêu dưới 50% trong đó tập trung chủ yếu miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Đặc biệt vẫn có khoảng 17% hộ gia đình chưa có nhà tiêu và vẫn phóng uế bừa bãi ra môi trường. Các hành vi vệ sinh cá nhân còn nghèo nàn, chỉ có 17% người dân rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong những thời điểm cần thiết.
Các vấn đề về sức khỏe cộng đồng liên quan tới vệ sinh kém vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do tiêu chảy và viêm phổi chiếm 10% và 12% trong số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (WHO, 2012). 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam do tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp, khẩu phần ăn kém, bị tiêu chảy nhiều lần, nhiễm giun sán và nhiễm trùng (theo điều tra dinh dưỡng quốc gia 2012). Các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm giun sán có nguyên nhân chính là do sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh và nước không an toàn. Tổn thất về kinh tế hàng năm mà nguyên nhân do vệ sinh kém gây ra là 777 triệu đô la, tương đương với 9 đô la một đầu người (theo Ngân hàng thế giới năm 2008). Vấn đề này đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế và dẫn đến nghèo đói ở một số vùng ở Việt Nam.
Để tiếp tục cải thiện điều kiện vệ sinh tại Việt nam và thực hiện các mục tiêu đề ra. Việt Nam cam kết đảm bảo cung cấp nước sạch và Vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho mọi người vào năm 2030; xóa bỏ phóng uế bừa bãi và đảm bảo các công trình cấp nước hoạt động bền vững theo hướng xã hội hóa vào năm 2025. Việt Nam sẽ ưu tiên việc cung cấp dịch vụ cơ bản cho các xã nghèo nhất có tỷ lệ sử dụng nước, vệ sinh thấp và suy dinh dưỡng cao; cải thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực ở các cấp, nhất là tuyến xã và cộng đồng để thực hiện được các mục tiêu đề ra: Xóa bỏ phóng uế bừa bãi, tăng cường các hoạt động thúc đẩy vệ sinhl khuyến khích các hành vi vệ sinh cá nhân; nâng cao tỷ lệ các công trình hoạt động bền vững và cải thiện chất lượng nước; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đỗ Văn Thành
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân 14/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 và Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030) 26/07/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Điều tra, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050) 05/06/2024