Mô hình an toàn vệ sinh lao động toàn diện: kinh nghiệm Singapore và Việt Nam



An toàn vệ sinh lao động toàn diện là sáng kiến quản lý sức khỏe lồng ghép trong kinh doanh để đạt được sức khỏe, cam kết môi trường làm việc cho năng suất lao động cao. Sáng kiến này ra đời dựa trên thực tiễn mối tương tác hai chiều giữa công việc và […]

An toàn vệ sinh lao động toàn diện là sáng kiến quản lý sức khỏe lồng ghép trong kinh doanh để đạt được sức khỏe, cam kết môi trường làm việc cho năng suất lao động cao. Sáng kiến này ra đời dựa trên thực tiễn mối tương tác hai chiều giữa công việc và sức khỏe của người lao động trong quá trình làm việc, khác hẳn phương pháp quản lý an toàn vệ sinh lao động truyền thống dựa trên mối tương tác giữa vấn đề an toàn và bệnh nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia về sức khỏe nghề nghiệp của Trường đại học quốc gia Singapore, quản lý sức khỏe người lao động theo mô hình an toàn vệ sinh toàn diện phù hợp với xu hướng quốc gia và quốc tế trong bối cảnh lực lượng người lao động cao tuổi đang phát triển, nhiều ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn và duy trì các vấn đề nhân lực; các bệnh mãn tính gia tăng và trẻ hóa; yếu tố nguy hại tại nơi làm việc là nguyên nhân số 1 của sự tàn tật trong độ tuổi lao động toàn cầu; các sáng kiến để nâng cao năng suất làm việc thông qua các chương trình nâng cao sức khỏe và bảo vệ sức khỏe; nơi làm việc được coi là vị trí chiến lược cho các chương trình nâng cao sức khỏe và việc tăng cường sức khỏe nhân viên liên quan đến sự hài lòng và trách nhiệm xã hội của công ty.

Các chuyên gia của Trường đại học quốc gia Singapore làm việc với Bộ Y tế

Các nghiên cứu đã chỉ ra sự trùng lặp, tương tác giữa sức khỏe người lao động với môi trường làm việc vật lý và tâm lý xã hội môi trường làm việc. Theo đó, những công nhân bị căng thẳng và không hạnh phúc dễ bị tai nạn hơn. Những công nhân bị căng thẳng hút thuốc và uống rượu nhiều hơn. Hút thuốc và phơi nhiễm hóa chất có thể gây ra rủi ro hoặc tăng khả năng rủi ro. Người hút thuốc bị căng thẳng công việc dẫn đến đau tim khi nâng hàng hóa nặng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, khi người công nhân trong trạng thái thừa cân có khả năng mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch. Công nhân lớn tuổi cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu. Và việc người lao động ốm tại nơi làm việc có thể dẫn đến sai sót an toàn, gia tăng nghỉ phép do bệnh tật, tăng khả năng mắc các bệnh về cơ xương và các vấn đề khác liên quan đến căng thẳng. Quản lý an toàn vệ sinh toàn diện có cơ hội kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế những vấn đề thực tế nêu trên.

Đoàn chuyên gia Trường đại học quốc gia Singapore khảo sát thực tếtại Viện huyết học và truyền máu Trung ương

Mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động toàn diện tại Singapore được thiết kế dựa trên mối tương tác giữa vấn đề sức khỏe của người lao động với bệnh nghề nghiệp và bệnh thông thường trong suốt thời gian làm công việc của họ tại nơi làm việc. An toàn vệ sinh lao động toàn diện được tiến hành theo 3 bước: Đánh giá và khuyến nghị – can thiệp và giám sát – đánh giá kết quả.
Việc đánh giá nhằm xác định mức độ về an toàn tại nơi làm việc thông qua việc lấy ý kiến của người lao động về nơi làm việc, đánh giá rủi ro, những nỗ lực vệ sinh an toàn hiện tại, nhận thức của người lao động về môi trường làm việc và những nỗ lực của tổ chức y tế tại nơi làm việc; và các thông tin tài chính từ cán bộ nhân sự của đơn vị. Việc đánh giá còn được tiến hành đối với sức khỏe người lao động, bao gồm điều tra sức khỏe cơ bản, thông tin về an toàn và thông tin về sức khỏe.
Dựa trên kết quả đánh giá và khuyến nghị từ thực tế này, người sử dụng lao động có trách nhiệm đưa ra một kế hoạch can thiệp và giám sát nhằm tạo ra một chương trình quản lý y tế lồng ghép bền vững.
Tại Singapore, sáng kiến quản lý an toàn vệ sinh lao động toàn diện đã thu hút 30 đơn vị gồm các nhà sản xuất, ngành hàng hải, xây dựng và ngành công nghiệp dịch vụ tham gia vào chương trình nghiên cứu.
Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUS) là đơn vị triển khai mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động toàn diện. Bệnh viện đã tiến hành lượng giá sức khỏe nhân viên thông qua việc nhận diện những mối nguy hại cụ thể và sàng lọc sức khỏe dựa trên độ tuổi (năm 2013). Từ thực tế đó, bệnh viện đã xây dựng và triển khai những chương trình can thiệp nhằm cải thiện sức khỏe nhân viên y tế. Đó là các chương trình quản lý cân nặng (ăn uống lành mạnh, học trực tuyến về dinh dưỡng lành mạnh, đánh giá chương trình dinh dưỡng); chương trình sàng lọc sức khỏe phù hợp với độ tuổi; bước đầu phòng chống thương tích sắc nhọn; cải thiện tâm sinh lý lao động nơi làm việc (khóa học trực tuyến về việc xử lý bằng tay, khóa học trực tuyến về tâm sinh lý làm việc tại văn phòng); chương trình tiêm phòng cúm; chương trình vệ sinh tay: đánh giá của chương trình).

Tập huấn nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế toàn diện

Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai thí điểm tại Bệnh viện Việt Đức. Kết quả đánh giá sức khỏe ban đầu cho thấy, 76,5% nhân viên y tế tham gia trả lời (1.309/1.712). Trong nội dung nhận thức về môi trường làm việc, tỷ lệ trả lời “đau mỏi cơ thể” ở mức cao. Sự căng thẳng của nhân viên cũng là vấn đề cần được xem xét. Từ đó đưa ra các khuyến nghị rà soát lại các biện pháp có thể giảm nguy cơ éc-gô-nô-mi trong bệnh viện; nhìn vào lợi ích tinh thần của nhân viên và lý do quan ngại về khối lượng công việc. Với sự hỗ trợ của Quỹ Temasek Singapore trong thời gian tới Trường đại học quốc gia Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ một số bệnh viện khu vực phía Bắc để triển khai chương trình nhằm giúp các bệnh viện nâng cao sức khỏe cho cán bộ y tế tại nơi làm việc.

Nhất Trần

 

Xem thêm ...