“Ngành Y tế hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với công tác xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các cơ sở y tế”



Hưởng ứng ngày "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân" năm 2013, trong hai ngày 02-03/7/2013, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Ngành Y tế hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với công tác xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ

Tham dự và chỉ đạo hội thảo chuyên đề có PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, BSCKI. Nguyễn Xuân Lãng, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Y tế Việt Nam cùng sáu mươi đại biểu là Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế mười hai tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, các đồng chí Lãnh đạo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Nghệ An. Tham dự và đưa tin có Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Nghệ An.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga và BSCKI. Nguyễn Xuân Lãng chủ trì hội thảo

Thực hiện lời dạy của Bác trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể, sự tham mưu và tổ chức thực hiện tích cực, có hiệu quả của các đơn vị trong ngành Y tế, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng bằng nhiều phong trào, như các phong trào “ba sạch, ba diệt”, phong trào “ăn sạch, ở sạch”, “xây dựng 3 công trình vệ sinh” ở các hộ gia đình…Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống nói chung và môi trường y tế nói riêng, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Bên cạnh những việc ngành Y tế đã tham mưu triển khai rộng rãi trong cộng đồng và tổ chức thực hiện tại các cơ sở y tế đạt được những kết quả đáng phấn khởi, thì vẫn còn những hạn chế, thói quen cũ còn chưa được khắc phục. Môi trường sống, môi trường y tế vẫn bị ô nhiễm trầm trọng bởi các hóa chất công nghiệp, chất bảo vệ thực vật, thuốc phòng trừ sâu, các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt…Ô nhiễm đã ảnh hưởng tới chất lượng không khí, chất lượng nước, ảnh hưởng tới thực phẩm và tác động trực tiếp sức khoẻ của con người; trong khi ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của nhiều người trong đó có cả nhân viên y tế, nhiều cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế. Đặc biệt trong ngành Y tế vẫn có những vấn đề về công tác vệ sinh đã được các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ ra như thiếu nhà vệ sinh, có nhà vệ sinh nhưng cửa luôn bị khóa; thu gom, quản lý, xử lý chất thải chưa tốt;…


PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, giới thiệu công tác vệ sinh môi trường

và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các vùng nông thôn Việt Nam

Các đại biểu đã được nghe và tham gia thảo luận các báo cáo: Công tác vệ sinh môi trường và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các vùng nông thôn Việt Nam; Kế hoạch lồng ghép phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại nơi làm việc; Công đoàn ngành Y tế tỉnh Nghệ An với phong trào xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Công đoàn ngành Y tế Hà Nội chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các cơ sở y tế; Ngành Y tế Hải Dương chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các cơ sở y tế; Thực trạng xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của Công đoàn ngành Y tế tỉnh Hà Nam…

Kết thúc hội thảo, BSCKI. Nguyễn Xuân Lãng, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Y tế Việt Nam đã kết luận và đề nghị các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm:

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người sử dụng lao động và người lao động về phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”.

2. Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về vệ sinh trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

3. Đưa các nội dung trong phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” gắn với vệ sinh lao động tại nơi làm việc để cải thiện điều kiện lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, tạo các thói quen sinh hoạt lành mạnh để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệpnâng cao năng suất lao động cho người lao động.

4. Triển khai hiệu quả phong trào “ Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại nơi làm việc trên cơ sở kế thừa, phát huy và mở rộng kết quả thực hiện Phong trào “Xanh, Sạch, Đẹp – Đảm bảo An toàn vệ sinh lao động” tại các cơ sở lao động.

Xuân Thành – Đỗ Thành

Xem thêm ...