Nhận diện yếu tố có hại trong môi trường lao động: những khó khăn của doanh nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại tại nơi làm việc. Theo Điều 3 Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, việc kiểm soát này được tiến […]
Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại tại nơi làm việc. Theo Điều 3 Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, việc kiểm soát này được tiến hành theo 5 nguyên tắc: Thường xuyên theo dõi, giám sát; phân công người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải quy định việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đến từng tổ, đội, phân xưởng); lưu hồ sơ về kiểm soát phù hợp với luật hiện hành; công khai kết quả kiểm soát cho người lao động được biết và có quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc phù hợp với luật hiện hành.
Muốn vậy, người sử dụng lao động phải thực hiện việc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại đơn vị của mình. Đây là văn bản pháp lý thể hiện việc quản lý vệ sinh lao động của đơn vị, là cơ sở để xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (Ảnh: Đinh Nguyệt)
Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động còn là công cụ quan trọng để quản lý điều kiện vệ sinh lao động, tình hình sức khỏe, bệnh tật, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của cán bộ công nhân viên của cơ sở lao động. Theo quy định của Nhà nước, tất cả cơ sở lao động nói chung và các cơ sở y tế nói riêng, đều phải có hồ sơ vệ sinh môi trường lao động theo mẫu quy định. Người sử dụng lao động tại các cơ sở lao động hằng năm phải thực hiện quan trắc môi trường lao động, thực hiện những khuyến nghị của Tổ chức quan trắc môi trường lao động khi phát hiện ra các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép, phải có biện pháp khắc phục. Nếu thấy có khả năng xảy ra sự cố bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động thì phải tạm ngừng hoạt động và báo cáo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để xử lý kịp thời. Công tác quan trắc môi trường phải do các đơn vị có đủ năng lực theo quy định tại Nghị định 44/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và được công bố trên Website của Bộ Y tế và Sở Y tế đối với đơn vị thuộc quản lý của địa phương. Chi phí cho việc quan trắc môi trường do người sử dụng lao động chi trả.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh đo môi trường lao động tại Công ty Than Vàng Danh (Ảnh: Lên Mạnh Thưởng- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)
Điểm mới của lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động theo quy định Nghị định 39/NĐ-CP so với Thông tư cũ 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011 là việc lập hồ sơ phải do người sử dụng lao động tự lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý; đánh giá yếu tố có hại trong môi trường lao động phải đánh giá yếu tố tâm sinh lý và ergonomis và đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp.
Những quy định trên đòi hỏi người sử dụng lao động, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm rất lớn mới đầu tư, quản lý, thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các yêu cầu về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại đối với người lao động của đơn vị. Thậm chí nó còn liên quan tới đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Đây là điều không dễ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh, doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm nên nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách không thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như trong cam kết hoặc đánh giá tác động môi trường. Việc công bố công khai kết quả kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại cho người lao động, đặc biệt đối với những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường có yếu tố nguy hiểm và tác hại, cũng tạo tâm lý không an lòng cho người lao động. Đồng thời cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp phải thực hiện cải thiện điều kiện làm việc cho họ.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra môi trường tại Công ty TNHH một thành viên MASAN MB (Ảnh: Đinh Nguyệt)
Riêng đối với các cơ sở y tế, người lao động phải tiếp xúc với bệnh nhân, trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh, rất dễ bị lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan vi-rút, lao, SARS, H5N1…Nhân viên y tế còn bị phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe như bụi chứa các mầm bệnh, phóng xạ, điện từ trường, siêu âm, tiếng ồn, các khí gây mê, hóa chất khử khuẩn và các loại hóa chất khác. Ngành y tế còn sử dụng rất nhiều máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động như nồi hấp áp lực, nồi hơi, nồi chiết suất, bình khí nén, chai khí nén, bồn oxy lỏng, hệ thống đường dẫn khí y tế, thang máy, vận thăng nâng hàng… Đến nay, việc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động của các cơ sở y tế trực thuộc Bộ quản lý đạt 72,7%. Còn các cơ sở y tế trực thuộc các Sở Y tế địa phương việc lập hồ sơ còn quá thấp, chưa đạt 5%. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đánh giá yếu tố tiếp xúc vi sinh vật và tâm lý lao động êc gô nô my.
Tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân viên y tế về an toàn vệ sinh lao động tại Bệnh viện 71 Trung ương (ảnh Phạm Xuân Thành)
Nguyên nhân của tình trạng này do cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở y tế đều kiêm nhiệm, hầu hết không được đào tạo chuyên ngành về vệ sinh lao động, năng lực chuyên môn hạn chế, nên việc nhận diện các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn chưa đầy đủ, việc cập nhật văn bản của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động chưa thường xuyên. Lãnh đạo các cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động nói riêng và công tác bảo vệ sức khỏe người lao động nói chung. Thậm chí, người lao động tại cơ sở y tế nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động cũng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến văn bản mới chỉ thông qua đường công văn, việc huấn luyện an toàn lao động và vệ sinh lao động tại các đơn vị còn rất yếu, nhiều đơn vị chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo quy định. Đặc biệt công tác thanh kiểm tra giám sát hướng dẫn các cơ sở y tế còn chưa thường xuyên; cán bộ làm công tác y tế lao động còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực chuyên môn; việc xử phạt cơ sơ y tế vi phạm còn chưa nghiêm, đặc biệt là vi phạm không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, không quan trắc môi trường lao động hằng năm.
Nguyễn Trình
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Công văn xin ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. 11/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024