Những việc cần làm để nâng cao sức khỏe người lao động Việt Nam trong thời kỳ mới
Chỉ thị 29 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” nêu rõ, cần đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo […]
Chỉ thị 29 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” nêu rõ, cần đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Chú ý có chính sách bồi dưỡng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cơ chế đầu tư cho hoạt động phục hồi chức năng cho người bị tai nạn, bảo đảm công bằng và cuộc sống cho người bị nạn và thân nhân. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động, thường xuyên khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động.Để thực hiện được các yêu cầu trên, cần huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; mở rộng các hình thức bảo hiểm, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt theo ngành, lĩnh vực. Có cơ chế đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động nhằm nâng cao quyền và lợi ích của người lao động.
Đầu tháng 8/2017 Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tiến hành khảo sát điều kiện lao động tại một số vị trí sản xuất và tham gia biên soạn tài liệu và giảng dạy 12 lớp tập huấn “Chăm sóc mắt nghề nghiệp” cho các trưởng nhóm công nhân tại hai nhà máy sản xuất giày da và lắp ráp điện tử tại tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng (Viện Sức khỏe và Nghề nghiệp và Môi trường)
Quan điểm này đã được thể hiện thông qua các điều khoản cụ thể tại Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Trên thực tế, hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đã được các cơ sở lao động thực hiện tương đối tốt. So với giai đoạn 2006 – 2010, số lao động được khám sức khỏe định kỳ hằng năm giai đoạn 2011 – 2016 tăng 1,6 lần; tỷ lệ người có sức khỏe tốt (loại 1 và 2) tăng 1,5 lần. Đã có 34 loại bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. 42 tỉnh, thành phố đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và có 26 bệnh nghề nghiệp đã được chẩn đoán phát hiện. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có 100.000 người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và trên 5.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Tuy nhiên tỷ lệ người lao động được khám sức khỏe định kỳ vẫn còn ít- trung bình mỗi năm gần đây mới có khoảng 2-3 triệu lượt người được khám, chiếm khoảng 6% trong số 32,5 triệu người hợp đồng lao động. Tỷ lệ người có sức khỏe yếu (loại 4 và 5) chiếm khoảng 10% tống số người được khám sức khỏe định kỳ.Để nâng cao sức khỏe người lao động, cùng với việc thực hiện đầy đủ các quy định về chăm sóc sức khỏe người lao động, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người mắc bệnh nghề nghiệp như các quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động, cần phải thực hiện các chế độ dinh dưỡng đầy đủ và an toàn cho người lao động ở các cơ sở sản xuất, các cơ quan, lực lượng công an, quân đội.Theo một nghiên cứu cắt ngang (Phạm Thị Thu Hiền, Trần Thị Minh Hạnh) trên 524 nữ công nhân 18 – 49 tuổi tại Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình để xác định tỉ lệ thiếu máu, thiếu máu thiếu sắt và kiến thức về nguyên nhân và cách phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt trên đối tượng này cho thấy, tỉ lệ thiếu máu (Hb<12g/dl) là 32,0%, nhóm tuổi 26 – 35 có tỉ lệ thiếu máu cao nhất (34,8%). Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt (Hb<12g/dl và ferritin <12ng/ml) là 6,1%; tỷ lệ người lao động hiểu biết về nguyên nhân và cách phòng ngừa thiếu máu còn thấp (Tạp chí Y học dự phòng số 10 năm 2014). Các tác giả Nguyễn Thị Lan Phương, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúy Nga đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và kiến thức thực hành phòng chống thiếu máu của nữ công nhân thuộc ba nhà máy tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh năm 2014, kết quả cho thấy tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở nữ công nhân của ba nhà máy là 12,6%, tỷ lệ thừa cân béo phì là 13,3%, tỷ lệ thiếu máu là 20,7%. Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn và thiếu máu của nữ công nhân ở ba nhà máy vẫn ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Kiến thức, thực hành về phòng chống thiếu máu của nữ công nhân vẫn còn hạn chế (Tạp chí DD&TP/Journal of Food and Nutrition Sciences, Tập 11, số 1/2015)Nghiên cứu tìm hiểu tỷ lệ của Hội chứng chuyển hóa và các yếu tố liên quan ở nhân viên ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành với 504 người tham gia. Kết quả cho thấy, 22% số nhân viên bị hội chứng chuyển hóa theo tiêu chuẩn của IDF (13% theo tiêu chuẩn ATP III). Tỷ lệ này biểu thị xu thế gia tăng của hội chứng này ở người Việt Nam. Tuổi, giới, lượng mỡ cơ thể, vòng eo và lượng cholesterol toàn phần là những yếu tố liên quan đến sự gia tăng hội chứng chuyển hóa (Tạp chí DD&TP/Journal of Food and Nutrition Sciences , Tập 4- số 3 + 4 , tháng 12 năm 2008)
Công nhân Công ty CP May Việt Thắng luôn an tâm với bữa ăn ngon, bảo đảm vệ sinh – an toàn Ảnh: Thu HuệDinh dưỡng bữa ăn giữa ca của công nhân ở mức báo động, nên Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ 7 Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 07 (25/2/2016) về chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động. Theo đó, từ năm 2016, các công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng (Mười lăm ngàn đồng), khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên thực hiện khởi kiện giám đốc doanh nghiệp đối với doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Thành Phúc
Xem thêm ...
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- cập nhật và công bố các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. 28/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc Hoạt động “Xây dựng các video clip về hướng dẫn xử trí, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích”) 31/07/2024