Nước sạch và sức khỏe – ý nghĩa quan trọng với sức khỏe cộng đồng
Việc cung cấp đủ nước sạch và an toàn để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất thực phẩm hoặc các mục đích giải trí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Cải thiện việc cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nước tốt, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia ....
Việc cung cấp đủ nước sạch và an toàn để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất thực phẩm hoặc các mục đích giải trí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Cải thiện việc cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nước tốt, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2010, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thừa nhận công khai các quyền con người về nước và vệ sinh môi trường. Mọi người đều có quyền được sử dụng nước cho cá nhân và sinh hoạt chung đầy đủ, liên tục, an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng.
Tiếp cận nước sạch
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG 7) về nước sinh hoạt đã đạt được trên phạm vi toàn cầu vào năm 2010. Mục tiêu đó là giảm một nửa tỷ lệ dân số thế giới không được tiếp cận với nước sạch. Năm 1990, có 48 quốc gia kém phát triển không đáp ứng được các mục tiêu trên, nhưng tới nay nhờ những bước tiến vững chắc, 42% của dân số ở các nước này đã được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Dễ nhận thấy có sự bất bình đẳng về địa lý, văn hóa xã hội và kinh tế vẫn tồn tại, không chỉ giữa các khu vực nông thôn và thành thị mà còn ở ngay trong các thị trấn và thành phố nơi người dân có thu nhập thấp, các khu định cư không chính thức hoặc bất hợp pháp thường ít được tiếp cận nguồn nước sạch so với cư dân khác.
Nước và sức khỏe
Nước bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường kém có liên quan đến sự lan truyền các dịch bệnh như tả, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan A, thương hàn và bại liệt. Các cá nhân có thể phòng tránh được phơi nhiễm với các nguy cơ do các dịch vụ vệ sinh môi trường và quản lý nước không đầy đủ, hoặc không thích hợp. Điều này đặc biệt đúng trong các bệnh viện, nơi mà cả bệnh nhân và nhân viên tế ở môi trường có nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh cao nhưng các dịch vụ về nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh không được đáp ứng. Trên toàn cầu, 15% bệnh nhân bị nhiễm trùng trong thời gian nằm viện, ở các nước có thu nhập thấp tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Nước ăn uống , sinh hoạt của hàng trăm triệu người đã bị nhiễm bẩn và ô nhiễm hóa chất do việc quản lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp và nông nghiệp không phù hợp. Ước tính có khoảng 842 000 người chết mỗi năm vì tiêu chảy do không đảm bảo an toàn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và vệ sinh tay. 361 000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm có thể tránh được nếu các yếu tố nguy cơ ô nhiễm nước được giải quyết. Ở những nơi thiếu nước sạch, mọi người thường không rửa tay, do đó làm tăng thêm khả năng tiêu chảy và các bệnh khác.
Tiêu chảy là bệnh được biết đến rộng rãi nhất liên quan đến thực phẩm và nước bị ô nhiễm nhưng có những mối nguy hiểm khác. Gần 240 triệu người bị nhiễm bệnh sán máng – một bệnh cấp tính và mãn tính do ký sinh trùng có trong nước bị ô nhiễm.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các côn trùng sinh sản trong dụng cụ chứa nước và truyền bệnh như sốt xuất huyết. Một số các loài côn trùng là vectơ truyền bệnh, sinh sản trong dụng cụ chứa nước sạch, chứ không phải là nước bẩn, và các thùng chứa nước sạch hộ gia đình chính là chỗ chúng sinh sản. Do vậy, việc đậy kín các dụng cụ chứa nước tại các hộ gia đình, ngăn các vector sinh sản ở đó có thể là biện pháp can thiệp đơn giản và cũng có lợi ích khác là giảm sự ô nhiễm nước do phân.
Hiệu quả kinh tế và xã hội
Khi nguồn nước được cải thiện và dễ tiếp cận, mọi người chỉ cần tốn ít thời gian và công sức trong việc lấy nước. Điều này cũng giúp cho các cá nhân an toàn hơn do không phải thực hiện những chuyến đi dài hoặc nguy hiểm để lấy nước. Nguồn nước tốt hơn cũng có nghĩa là ít phải chi tiêu về y tế, bởi vì họ ít ốm đau và giảm chi phí chữa bệnh, và có sức khỏe tốt hơn để làm kinh tế.
Đặc biệt đối với trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nước, tiếp cận với nguồn nước sạch có thể giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn và vì vậy mà việc học tập sẽ tốt hơn, mang lại tương lai lâu dài cho cuộc sống của trẻ.
Nguồn nước
Mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch sử dụng thuật ngữ: “các nguồn nước sinh hoạt được cải thiện” hoặc “các nguồn nước sinh hoạt không được cải thiện”. Nhưng những nguồn nước được cải thiện không nhất thiết đã là an toàn. Ít nhất 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm phân. Một tỷ lệ đáng kể nước cấp thông qua đường ống bị ô nhiễm, đặc biệt là nơi việc cung cấp nước không liên tục hoặc xử lý nước không phù hợp. Ngay cả khi nguồn nước tốt, nước có thể bị ô nhiễm trong khi vận chuyển hoặc lưu trữ, đặc biệt là trong điều kiện vệ sinh môi trường không phù hợp.
Những thách thức
Biến đổi khí hậu, tăng tình trạng khan hiếm nước, tăng dân số, thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đã đặt ra những thách thức cho việc cung cấp nước sạch. Đến năm 2025, một nửa dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực căng thẳng về nước (water-stressed areas). Tái sử dụng nước thải, thu hồi nước, chất dinh dưỡng, hoặc năng lượng, đang trở thành một chiến lược quan trọng. Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng nước thải để tưới. Tại các nước đang phát triển, diện tích đất được sử dụng nước thải để tưới chiếm 7% . Nếu việc sử dụng nước thải để tưới không phù hợp sẽ gây ra nguy cơ cho sức khỏe, quản lý an toàn nước thải có thể đem lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng sản phẩm lương thực.
Đáp ứng của Tổ chức y tế thế giới (WHO)
Là cơ quan quốc tế về sức khỏe cộng đồng và chất lượng nước, WHO hướng dẫn các nỗ lực toàn cầu để ngăn ngừa các bệnh lan truyền qua nước, tư vấn hỗ trợ các chính phủ về việc xây dựng các mục tiêu và các quy chuẩn về nước sạch nhằm đảm bảo sức khỏe.
WHO xây dựng một loạt các hướng dẫn về chất lượng nước, bao gồm cả nước ăn uống, sinh hoạt, sử dụng an toàn nước thải và nước giải trí. Các hướng dẫn chất lượng nước dựa trên việc quản lý nguy cơ, từ năm 2004 các Hướng dẫn về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt bao gồm việc thúc đẩy các Kế hoạch an toàn nước để xác định và ngăn ngừa các nguy cơ nước bị ô nhiễm. Trong năm 2015, WHO giới thiệu nội dung về Kế hoạch an toàn nước để hỗ trợ việc thực hiện các hướng dẫn xử lý nước thải. WHO thúc đẩy các thực hành quản lý và đánh giá nguy cơ trong tất cả các nhóm, bao gồm các nhà cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt, các công ty xử lý nước thải, nông dân, cộng đồng và cá nhân.
Từ năm 2014, WHO đã thử nghiệm sản phẩm xử lý nước tại hộ gia đình dựa vào các tiêu chí về sức khỏe của WHO thông qua “Đề án” quốc tế của WHO để đánh giá các công nghệ xử lý nước tại hộ gia đình. Mục tiêu của Đề án là để đảm bảo rằng các sản phẩm được phân phối, bảo vệ người dùng khỏi các mầm bệnh gây ra tiêu chảy và tăng cường thực thi chính sách, quy định và cơ chế giám sát ở cấp quốc gia, hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu và sử dụng đúng sản phẩm trên.
WHO phối hợp chặt chẽ với UNICEF trong một số lĩnh vực liên quan đến nước và sức khỏe. Ví dụ, các Kế hoạch hành động lồng ghép toàn cầu nhằm chấm dứt các trường hợp tử vong trẻ em có thể dự phòng được do viêm phổi và tiêu chảy vào năm 2025 (GAPPD) đặt ra một số mục tiêu trong công tác dự phòng và điều trị, bao gồm việc đạt được mục tiêu đến năm 2030 các cơ sở y tế và hộ gia đình tiếp cận phổ cập nước ăn uống, sinh hoạt.
BS. Nguyễn Hữu Hùng
Dịch từ tài liệu của WHO, Fact sheet No 391
Tháng 6 năm 2015
Tải tài liệu phiên bản tiếng anh tại đây
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân 14/08/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 và Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030) 26/07/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Điều tra, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050) 05/06/2024