Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” phải dựa vào nhân dân, do nhân dân thực hiện



Cho đến nay, Phong trào "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân" đã nhận được sự hưởng ứng của các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Điều này đã sớm đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Phong trào là phải dựa vào nhân dân, do nhân dân thực hiện

Nhớ lại cách đây 54 năm, ngày 02/7/1958, Bác Hồ đã viết bài “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân Dân. Mở đầu bài báo, Bác viết: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Trong bài viết, Bác đã nhắc nhở: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Do đó, công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân được Bác cho là một trong những công việc quan trọng bậc nhất.

7 năm sau, vào ngày 15/2/1965, khi Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương, Người đã đến xã Nam Chính, huyện Nam Sách để thăm hỏi và nói chuyện với đồng bào về công tác vệ sinh phòng bệnh. Với tấm lòng luôn hướng về con người và vì con người, Bác Hồ đã đưa ra vấn đề vệ sinh phòng bệnh thành phong trào “Vệ sinh yêu nước”.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, ngày 01/7/2012, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát động Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” trên phạm vi toàn quốc. Tại buổi phát động, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kêu gọi: “…mỗi con người, mỗi gia đình, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cần chủ động, tích cực tham gia phong trào, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, đưa công tác bảo vệ vệ sinh, môi trường trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, thành tiêu chuẩn rèn luyện, phấn đấu của mỗi người, tiêu chuẩn thi đua của mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để làm cho môi trường chúng ta đang sống ngày càng sạch sẽ và an toàn hơn, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên, sức khỏe và giống nòi của dân tộc ta được cải thiện tốt hơn.”

Để tăng cường việc triển khai các hoạt động của Phong trào, ngày 26/11/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Trong Chỉ thị, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành liên quan, thì riêng phần nhiệm vụ đối các địa phương đã được nhấn mạnh: phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; bảo đảm an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án… đang triển khai trên địa bàn.

Như vậy, ngay từ đầu Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã xác định muốn đạt được kết quả tốt thì trước hết phải dựa vào nhân dân, do nhân dân thực hiện. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của Phong trào.

Chính nhờ việc xác định mục tiêu và cách thức tiến hành hợp lý ngay từ đầu là “dựa vào nhân dân, do nhân dân thực hiện là chủ yếu” nên bước đầu Phong trào thu hút được sự ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân. Qua gần 5 tháng triển khai, Phong trào đã có tác động làm cho công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động tại nhiều nơi được triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, đông đảo người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh với nhiều hình thức như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng những hành động cụ thể: tham gia xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, tích trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh tiêu chảy và bệnh tay chân miệng, v.v…

Để Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân” đạt được kết quả hơn nữa, bên cạnh sự tích cực, chủ động của ngành Y tế; các Bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương, thì vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng là rất quan trọng. Trong đó người dân đóng vai trò trung tâm, bởi nếu không được nhân dân ủng hộ và trực tiếp thực hiện thì chắc chắn Phong trào sẽ không thu được kết quả. Chính vì vậy, việc thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ phát động: “…các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cùng với đồng bào cả nước hãy ra sức thi đua, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức năng động, sáng tạo. Trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam!”, sẽ là tiền đề quan trọng để Phong trào thành công./.

ThS. Dương Chí Nam (Cục Quản lý môi trường y tế)

Xem thêm ...