Thực trạng môi trường lao động tại một số cơ sở sản xuất



Theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2016, trong số 53,3 triệu người có việc làm của cả nước chỉ có 12,8 triệu người có hợp đồng lao động (chiếm 24%). Tính đến cuối năm 2016, ngành y tế mới quản lý được thông tin tình hình […]

Theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2016, trong số 53,3 triệu người có việc làm của cả nước chỉ có 12,8 triệu người có hợp đồng lao động (chiếm 24%). Tính đến cuối năm 2016, ngành y tế mới quản lý được thông tin tình hình vệ sinh lao động của 71.082 cơ sở lao động với hơn 4 triệu người lao động (chiếm 31,2% tổng số lao động trong khu vực làm việc có hợp đồng). Số cơ sở có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại là 28.747 cơ sở (40,4%) với 798.926 lao động tiếp xúc trực tiếp với yếu tố có hại, nguy hiểm trên tổng số hơn 2 triệu người làm việc tại các cơ sở này.
Đáng quan ngại nhất là trong số 7.242 cơ sở sở hữu trên 200 lao động, có tới 1.419.434 người lao động đang làm việc tại 1.676 cơ sở có yếu tố có hại, nguy hiểm; trong đó có 506.624 người tiếp xúc trực tiếp với yếu tố có hại, nguy hiểm (235.959 người là nữ).

Bàn nước phục vụ người lao động để trong khu vực sản xuất – vi phạm về vệ sinh lao động (ảnh Phạm Xuân Thành)
Báo cáo kết quả quan trắc môi trường lao động hằng năm của các địa phương về Bộ Y tế cho thấy, môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất trên cả nước còn tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Trong giai đoạn 2011 – 2016 số mẫu quan trắc môi trường lao động được thực hiện là 2.452.919 mẫu, trong đó số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép chiếm trung bình khoảng 10% tổng số mẫu. Một số yếu tố có hại luôn có tỷ lệ mẫu đo không đạt cao nhất trong 5 năm trở lại đây bao gồm vi khí hậu (8,6%), phóng xạ, điện từ trường (23,25%), tiếng ồn (16,53%) và ánh sáng (12,04%). Nếu so với giai đoạn 2006 -2010, tổng số mẫu quan trắc 5 năm gần đây đã tăng hơn 1.029.554 mẫu; tỷ lệ mẫu vi khí hậu, bụi, tiếng ồn, ánh sáng, hơi khí độc, các yếu tố khác không đạt yêu cầu đều giảm, nhưng tỷ lệ mẫu phóng xạ, điện từ trường không đạt yêu cầu lại tăng lên (từ 20,00 lên 23,25%).
Đặc biệt, các yếu tố có hại phát sinh do điều kiện, môi trường lao động mới đem lại như yếu tố ecgonomy, tác nhân sinh học (SARS, MERSCOVI, H5N1…), dung môi, các chất gây ung thư và nhiều loại hóa chất chưa được quan tâm đánh giá và báo cáo. Một số yếu tố đã có bằng chứng về tác hại đối với sức khỏe con người bao gồm bụi amiăng, dung môi, hóa chất gây ung thư, một số loại hơi độc…được quan tâm quan trắc theo yêu cầu. Tuy nhiên, số liệu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Bởi vẫn còn tới 80 – 90% doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động theo quy định.

Để quạt làm mát cho người lao động không đúng vị trí gây phát tán bụi trong khu vực sản xuất (Ảnh Phạm Xuân Thành)
Trong những năm gần đây, chính sách hội nhập và thu hút đầu tư đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng về khoa học, kỹ thuật; nhiều công nghệ sản xuất mới được hình thành hoặc thiết bị mới được nhập khẩu và đưa vào sản xuất. Vì thế, bên cạnh các yếu tố tác hại truyền thống, đã xuất hiện các yếu tố tác hại mới đối với sức khỏe người lao động. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các dự án và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động cả về phạm vi, tính chất và mức độ tác động. Do đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm về trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, người lao động.
Thu Trang

 

Xem thêm ...