Trên 40 triệu lao động không có hợp đồng chưa được chăm sóc sức khỏe theo Luật  



Thống kê năm 2016 cho thấy, trong tổng số 53,3 triệu người Việt Nam có việc làm, chỉ có 12,8 triệu người làm việc có hợp đồng lao động. 40,5 triệu người còn lại thuộc khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng. Theo Luật An toàn vệ sinh […]

Thống kê năm 2016 cho thấy, trong tổng số 53,3 triệu người Việt Nam có việc làm, chỉ có 12,8 triệu người làm việc có hợp đồng lao động. 40,5 triệu người còn lại thuộc khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng. Theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, họ có quyền được làm việc trong môi trường an toàn vệ sinh lao động; được quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tự nguyện. Song thực tế, cho đến nay, lực lượng lao động này vẫn “nằm” ngoài luật.

Hậu quả là có rất nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người xảy ra trong khu vực này.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 18 triệu lao động phi chính thức. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động phi chính thức không có BHXH lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện (tin,ảnh: Đ.Viên)

Theo số liệu Điều tra tử vong do tai nạn liên quan đến lao động trong cộng đồng năm 2011-2013 của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), năm 2011 có 1.413/2.077 trường hợp tử vong do tai nạn lao động là người làm việc không có hợp đồng.Tỷ lệ này năm 2012 là 1.491/2.191và năm 2013 là 1.404/2.118. Trong đó nông dân tử vong do tai nạn chiếm tỷ lệ rất cao: 930 người năm 2011; 1.353 người năm 2012 và 1.392 người năm 2013. Đứng thứ 2 là lao động tự do với số lượng lần lượt theo các năm là 96 – 149 – 137.

Các thợ xây, phần lớn là lao động tự do làm việc trên cao không hề có các trang thiết bị bảo hộ lao động (Ảnh chụp tại một công trình xây dựng nhà ở tại Khu đô thị chùa Hà Tiên thành phố Vĩnh Yên). Ảnh: Dương Chung

Trong các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người kể trên,  có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể. Điển hình như: Vụ nổ lò hơi ngày 18/1/2013 tại cơ sở bánh tráng tại xã Vạn Bình, Vạn Ninh, Khánh Hòa làm 1 người chết, 4 người bị thương; nổ lò hơi ngày 27/7/2013 tại cơ sở sản xuất bánh tráng số 176A, đường D1 khu phố 2, Cư xá Điện Lực, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai làm 1 người chết; nổ lò hơi tại xưởng chế biến bánh tráng thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày 14/1/2015 làm chết 2 người; nổ lò hơi tại cơ sở làm bánh tráng, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp làm 1 người chết; nổ bình bơm xe ngày 23/4/2012 tại tiệm sửa xe trên đường Đặng Văn Ngữ (phường 14, quận Phú Nhuận, TP. HCM) làm chết 1 người; nổ bình khí nén tại cơ sở vá xe trên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương vào ngày 4/6/2013 làm 1 người chết; ngày 22/6/2013, nổ bình bơm bong bóng tại nhà số 150 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm 5 người chết…

Nguyên nhân chính của các vụ nổ này là do các máy, thiết bị chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Các thiết bị này được sử dụng tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ. Các cơ sở này thường có đặc điểm là sử dụng người lao động không theo hợp đồng lao động và không có điều kiện về kinh tế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp, còn các điểm kinh doanh nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh tra của các Sở hiện không đủ để có thể kiểm soát hết các điểm sử dụng bơm hơi, khí nén tự phát, trong khi các điểm này không có Giấy phép kinh doanh và luôn di chuyển địa điểm để hành nghề…

Người lao động thời vụ tại các xưởng sản xuất, gia công nhỏ lẻ thường không được huấn luyện an toàn lao động

Do trước đây pháp luật điều chỉnh không rõ về an toàn vệ sinh lao động đối với những người làm việc không theo hợp đồng lao động, nên các hoạt động thực thi quyền lực Nhà nước (như thanh tra, kiểm tra…) hầu như không được triển khai trong khu vực này. Tuy nhiên, nhận thấy đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động nên Nhà nước cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực trong Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động từ năm 2016 để triển khai các hoạt động hỗ trợ (thông tin, tuyên truyền, huấn luyện) đến các đối tượng này.

Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc nâng cao nhận thức của người lao động. Người lao động đã từng bước áp dụng các biện pháp làm việc an toàn để bảo vệ bản thân và những người có liên quan. Trong giai đoạn 2011-2014, mặc dù số người chết do tai nạn lao động có tăng, nhưng tần suất tai nạn lao động chết người lại giảm 3,74% so với năm 2010 (tốc độ tăng của số người bị nạn thấp hơn tốc độ tăng của lực lượng lao động), góp phần tiết kiệm các khoản chi trả cho các vụ tai nạn lao động, ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khó bảo đảm các kết quả này sẽ được duy trì ổn định và bền vững nếu Chương trình không tiếp tục được hỗ trợ, bởi Chương trình hiện nay mới chỉ tác động đến nhận thức, chưa làm thay đổi ý thức, hành vi, tạo thói quen làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đối với đối tượng lao động này.

Luật An toàn vệ sinh lao động là luật đầu tiên điều chỉnh về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động, tuy nhiên mới tập trung vào vấn đề an toàn, chưa có cơ chế để chăm sóc sức khỏe phòng chống bệnh liên quan nghề nghiệp cho nhóm lao động này. Để Luật An toàn vệ sinh lao động đi vào cuộc sống, còn phải tiếp tục xây dựng các văn bản có tính khả thi quy định cụ thể công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Chẳng hạn, các quy định về quyền của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tương ứng thường là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì tương ứng sẽ chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, bởi không có người sử dụng lao động. Như vậy, rất khó có các biện pháp khả thi trong giám sát an toàn vệ sinh lao động nhằm thực hiện đầy đủ quyền lợi của họ. Đến thời điểm này cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện và cơ chế chi trả cho việc cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho khu vực lao động không có hợp đồng lao động.

Lê Hiền (biên soạn)

 

 

Xem thêm ...