Vệ sinh môi trường đẩy lùi dịch bệnh lây truyền nguy hiểm



Vệ sinh cá nhân tốt, không còn tình trạng phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt… được coi là những giải pháp hữu hiệu, góp phần giảm nguy cơ mắc một số dịch bệnh nguy hiểm lây truyền. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực nông thôn ở nước ta, việc thiếu

Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), TS Nguyễn Thị Liên Hương nhận định: Tại Việt Nam, một số bệnh dịch nguy hiểm, lây truyền vẫn chưa được khống chế một cách triệt để, cho nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun, sán, tay – chân – miệng… có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nguyên nhân, các bệnh dịch này đang lưu hành do ở nhiều địa phương chưa làm tốt công tác vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; chưa chấm dứt được tình trạng phóng uế bừa bãi ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc thiếu nước sạch, vệ sinh cá nhân kém cũng dẫn đến tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến nước và ô nhiễm môi trường còn cao, nhất là các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Trung bình hằng năm, cả nước ghi nhận khoảng gần một triệu ca tiêu chảy; tỷ lệ nhiễm phối hợp từ hai đến ba loại giun ở miền bắc lên tới từ 60% đến 70% số dân. Điển hình, tình trạng nhiễm giun ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (từ hai đến năm tuổi) đang ở mức báo động, như: Nghệ An (77,9%); Thanh Hóa (76,4%); Điện Biên (53%); Lai Châu (54%)… Việt Nam vẫn chưa thanh toán được bệnh giun sán và là một trong những nước có số người nhiễm giun đường ruột cao nhất châu Á, với khoảng từ 20 đến 40 triệu người… Đáng chú ý, ở nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác vệ sinh như quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; môi trường sống nhiều nơi ở nông thôn, thành thị, khu công nghiệp, khu dân cư, làng nghề bị ô nhiễm bởi các hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế…

Nhằm từng bước cải thiện nguồn nước, khắc phục tình trạng phóng uế bừa bãi, nhà tiêu không hợp vệ sinh, cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh cá nhân, nhất là thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về việc triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch liên ngành và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án về phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 2-7), theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe… Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng được an toàn, vệ sinh. Kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong các làng nghề, khu vực dân cư, nhất là thay đổi tập quán, ý thức trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn tại các đô thị trên địa bàn toàn quốc… Ngành y tế thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông, trong đó tập trung việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà-phòng, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể; thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch và rèn luyện thân thể thông qua các phong trào “năm không, ba sạch”. Các địa phương đẩy mạnh quản lý nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề và tổ chức định kỳ các đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tổng vệ sinh cơ quan, trường học, nơi công cộng và nhà dân để tạo thói quen và nền nếp vệ sinh trong nhân dân…

Những năm qua, với sự đầu tư của Chính phủ cho việc cung cấp nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh nông thôn; sự nỗ lực của ngành y tế và các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhà tiêu hộ gia đình đã có những cải thiện đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82% và nhiều chỉ số về sức khỏe của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Công tác vệ sinh môi trường, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân trên mọi miền đất nước.

Nguyễn Thanh Long
Thứ trưởng Y tế

Xem thêm ...