Việt Nam không phản đối đưa amiăng trắng vào danh mục độc hại
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương. Ảnh: Lê Văn. – Việt Nam sẽ không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam, là danh sách các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu phải tuân thủ thỏa thuận thông báo trước trong thương […]
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương. Ảnh: Lê Văn.
– Việt Nam sẽ không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam, là danh sách các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu phải tuân thủ thỏa thuận thông báo trước trong thương mại quốc tế.
Thông tin nói trên được ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương, đưa ra tại Hội thảo Tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng, diễn ra sáng nay, 22/4, tại Hà Nội.
Theo ông Ngọc, thực hiện chỉ thị của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014, Bộ Công thương đã gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và một số bộ ngành khác về quan điểm của Việt Nam đối với việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất Việt Nam sẽ không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 tại Hội nghị Công ước Rotterdam lần 7 diễn ra vào tháng 5 tới đây.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Bộ Công thương là Việt Nam sẽ không phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3”, ông Ngọc cho hay.
“Bộ Công thương cũng đã xin phép Thủ tướng để làm đại diện quốc gia tham dự Hội nghị Công ước Rotterdam lần 7 và hiện tại Cục Hóa chất nhận được Ủy nhiệm thư của Bộ Ngoại giao”, ông Ngọc cho biết thêm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014 đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2014 về phương án không phản đối đề xuất đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam trong kỳ họp năm 2015.
Đây được coi là một bước tiến khi tại kỳ họp 2 năm trước, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia phản đối việc đưa amiăng trắng vào danh sách hóa chất độc hại của Phụ lục 3 trong khi 140 quốc gia đã đồng ý việc này.
Đáng nói hơn, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong số 7 quốc gia nói trên nhập khẩu amiăng. 6 nước còn lại đều là các quốc gia xuất khẩu amiăng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên dừng ở việc “không phản đối” mà nên theo xu thế chung, đồng thuận việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam.
Theo đó, việc đưa amiăng trắng vào Công ước Rotterdam sẽ là cơ sở quan trọng để dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam trước năm 2020 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Amiăng trắng được Viện nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC/CRC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm nhất. Theo ước tính của WHO, hàng năm có hơn 100 nghìn người tử vong vì các căn bệnh do amiăng gây ra, chưa kể hàng triệu người phải sống chung với các bệnh tật do hóa chất này.
Hiện tại, Việt Nam được biết tới như là một trong số 10 quốc gia nhập khẩu amiăng trắng đứng đầu thế giới, với mức tiêu thụ hơn 65.000 tấn/năm. Khoảng 80% lượng amiăng trắng được sử dụng tại Việt Nam là để sản xuất tấm lợp fibro xi măng.
Theo tính toán rằng, cứ mỗi 170 tấn amiăng được tiêu thụ sẽ có thêm 1 trường hợp mắc bệnh ung thư trung biểu mô, chưa tính đến các trường hợp mắc các bệnh ung thư phổi, màng bụng, màng tim, buồng trứng hay các bệnh liên quan tới amiăng khác. Như vậy, nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng amiăng trắng với số lượng như hiện tại tới năm 2030 thì sẽ có thêm 6.600 ca ung thư.
Tuy nhiên, bất chấp nguy cơ đối với sức khỏe người dân, bất chấp việc hơn 50 quốc gia châu Âu đã cấm amiăng và công nghệ thay thế tấm lợp amiăng do Việt Nam tự phát triển cũng đã có từ lâu, song việc dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vẫn là một cuộc chiến dai dẳng, chưa có hồi kết.
Ngăn ngừa nguy cơ từ tấm lợp fibro Trung Quốc
Tại hội thảo, Lưu Hoàng Ngọc, Lê Thế Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, tại một số tỉnh phía bắc và cả phía nam đã xuất hiện những tấm lợp fibro của Trung Quốc. Theo đó, ông Ngọc cho rằng, nếu Việt Nam cấm amiăng có thể sẽ biến Việt Nam từ nước nhập khẩu amiăng thành nước nhập khẩu tấm lợp kém chất lượng của Trung Quốc.
Phản bác quan điểm này, PGS. TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam cho rằng, việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam sẽ tạo ra hành lang pháp lý để ngăn chặn các loại tấm lợp fibro có chứa amiăng trắng từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam, dù là theo con đường nào chứ không phải là tạo cơ hội để các tấm fibro xi măng của Trung Quốc vào Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có công nghệ thay thế amiăng, do vậy, việc cấm amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng cũng sẽ tạo ra cơ hội để tấm lợp thay thế không độc hại có cơ hội để phát triển, chiếm lĩnh thị trường.
Theo Lê Văn (Báo Vietnamnet)
Xem thêm ...
- Công văn xin ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. 11/10/2024
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Xây dựng và phát sóng thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động, khu công nghiệp; phát sóng trên Đài truyền hình Thông Tấn và Đài truyền hình VTC1) 11/06/2024
- Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động ngành y bị bệnh nghề nghiệp 24/05/2024
- Danh sách tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và nghị định 140/2018/NĐ-CP 06/05/2024