Việt Nam nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em nhưng vẫn còn ở ngưỡng cao
Những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực phòng, chống tai nạn đuối nước của trẻ em. Từ Chính phủ, Quốc hội, các Bộ: Lao động – Thương Binh & Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể dục Thể thao và Du lịch, đến các tổ chức xã hội đều […]
Những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực phòng, chống tai nạn đuối nước của trẻ em. Từ Chính phủ, Quốc hội, các Bộ: Lao động – Thương Binh & Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể dục Thể thao và Du lịch, đến các tổ chức xã hội đều có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Đây là những văn bản pháp luật và chương trình phòng chống tai nạn thương tích lớn nhất đối với trẻ em.
Những giải pháp tích cực nêu trên đã có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước và tử vong do đuối nước tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 – 2013, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đến giai đoạn 2015 – 2017, số vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm, còn trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm.
Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê tại 49 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ đuối nước năm 2017 giảm 39,61% (3.762/6.229), nhưng tỷ lệ tử vong tăng 13,7% (1.112/978) so với năm 2016. Cụ thể năm 2017, mặc dù tỷ lệ đuối nước trên phạm vi toàn quốc chỉ chiếm 0,34% tổng số tai nạn thương tích (4.475/1.314.309) nhưng tỷ lệ tử vong chiếm tới 12,15% (1.254/10.324), đứng thứ 2 chỉ sau tai nạn giao thông.
Trong khi đó, theo nhận xét của các tổ chức quốc tế, tình trạng thương tích nói chung và tai nạn đuối nước ở Việt Nam nói riêng còn thấp so với thực tế. Nguyên nhân là do các vụ tai nạn thương tích và đuối nước diễn ra tại gia đình, tai nạn giao thông thủy đều chưa được cập nhật. Thậm chí việc báo cáo của các địa phương cũng chưa được đầy đủ. Riêng năm 2016, đã có 14 địa phương không báo cáo, gồm Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Thậm chí, trong năm 2017, tất cả 63 địa phương đều có báo cáo về tai nạn thương tích, nhưng chỉ có 48 địa phương ghi chép tốt và báo cáo đúng thời hạn. Còn hàng chục địa phương báo cáo số liệu chưa chính xác, số liệu chênh lệch giữa tổng số mắc, chết và phân bố theo các nhóm tuổi, nghề nghiệp, địa điểm xảy ra, nguyên nhân tai nạn thương tích…
Thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ hai trên thế giới.
Năm 2017, theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Những tai nạn đuối nước thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, các cơ quan chức năng đặc biệt vào thời điểm mùa hè.
Ngay trong mùa hè năm 2018, liên tục từ ngày 30/8 đến 3/9, ở Quảng Ngãi xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 7 học sinh tử vong. Trong đó, có vụ 4 học sinh rủ nhau đi tắm trên sông Vệ, đoạn qua xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành gồm hai chị em Trần Thị Phương Uyên (10 tuổi) và Trần Thị Thanh Trúc (5 tuổi) cùng hai anh em sinh đôi Trần Đức Vĩ và Trần Đức Đại (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Hành Thiện) tử nạn chiều 31/8. Trước đó chiều 30/8, 8 học sinh Trường Tiểu học số 1, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) rủ nhau tắm biển ở Gành Yến. Trong đó, hai em Nguyễn Thị Mỹ Quyên và Nguyễn Ngọc Thư Dãng (ngụ thôn Thanh Thủy, học sinh lớp 5 C, Trường tiểu học số 1 Bình Hải) không may bị sóng cuốn, chết đuối.
Tại tỉnh Hòa Bình, trong hai tháng 4 và 5/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 8 người tử vong tại các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn. Tất cả nạn nhân của các vụ đuối nước đều là trẻ em sinh từ năm 2003 đến năm 2016.
Còn tại tỉnh Hải Phòng, vào trưa ngày 23/6, các cháu Nguyễn Văn Đ. (10 tuổi) và Nguyễn Bá Bảo H. (7 tuổi) cùng trú xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên cùng một số bạn rủ nhau ra khu vực dưới chân cầu Kiền tại khu vực thôn 3, xã Kiền Bái để chơi. Trong lúc chơi đùa, hai bé trai bị rơi xuống hố nước sâu gần chân cầu Kiền và tử vong.
Tại tỉnh Đắk Nông, vào chiều ngày 9/5, một vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại địa bàn xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức khiến 4 em học sinh tử vong. Theo đó, nhóm 6 em học sinh đang chơi tại bờ sông, một em bị trượt chân ngã xuống nước, những em còn lại nhảy xuống cứu bạn nhưng tất cả đều đuối nước theo. Khi người dân gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy tới thì 4 em đã tử vong, 2 em còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong gần 6 tháng đầu năm 2018, đã có 27 trường hợp do đuối nước, trong đó đa số là học sinh. Những trường hợp đuối nước trên có điểm chung là thường gặp nạn ở các ao, hồ do người dân đào để phục vụ tưới hoa màu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: “Mỗi năm hiện còn khoảng 2.000 trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước”
Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam” do Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, WHO và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức ngày 26/6/2018 tại Hà Nội, Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho rằng, “mặc dù tỷ lệ tử vong do đuối nước đã giảm, nhưng giảm chậm và tỷ lệ tử vong còn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ”.
Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống đuối nước tại Việt Nam vẫn còn những thách thức không nhỏ. Đó là tình trạng nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, những người chăm sóc trẻ đặc biệt là vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm. Ở các cơ sở giáo dục hay các địa phương thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Kỹ năng của các em trong phòng ngừa, bảo vệ mình với các nguy cơ, trong đó có nguy cơ tai nạn đuối nước, trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Khánh Chi
Xem thêm ...
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế 28/11/2024
- Xây dựng, lập biện pháp an toàn nhằm kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 25/11/2024
- Khoảng hơn 80 người Việt tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày 28/10/2024
- Bộ Y tế tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do dung môi cho người làm công tác y tế lao động 17/10/2024
- Cập nhật danh sách, thông tin của 226 tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động 12/09/2024